Lãnh đạo Thành phố Hà Nội thăm, tặng quà các lão thành cách mạng
Chiều 17/8, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã đến thăm, tặng quà Đại tướng Nguyễn Quyết và bà Phan Thị Phúc (tại phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) nhân kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 -19/8/2024) và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2024).
Đại tướng Nguyễn Quyết (sinh năm 1922, quê xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Ông tham gia cách mạng từ năm 1939, nhập ngũ tháng 8/1945, vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1940.
Trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng, ông đã trải qua nhiều cương vị, vị trí công tác như: Ủy viên Ban cán sự Đảng tỉnh Hưng Yên; Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên quân sự trong Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, Ủy viên chính trị Ủy ban quân sự Hà Nội, Chính trị viên Chi đội 2 Vệ quốc quân; Chính ủy Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương); Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV - VI (Ủy viên Ban Bí thư khóa VI); Đại biểu Quốc hội các khóa IV, VII, VIII.
Ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; cùng nhiều huân, huy chương khác.
Đại tướng Nguyễn Quyết, trong cuộc đời hoạt động và cống hiến của mình, có thể nói, ở ông chính là sự hội tụ nhiều phẩm chất cao quý của một cán bộ, đảng viên cộng sản: kiên trung, gương mẫu, tận tụy, sáng tạo và nhất là tinh thần đoàn kết máu thịt với Nhân dân. Thế hệ ông, trong đó có ông, trong mọi hoàn cảnh, nhất là trên cương vị chủ trì cơ quan hay đơn vị đều luôn tiên phong, gương mẫu, thực hiện đúng nguyên tắc của Đảng, luôn đặt lợi ích chung của Đảng, của dân tộc và quân đội lên trên hết. Ông là người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn linh hoạt và sáng tạo, đi đầu giải quyết khó khăn thử thách và rất quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Trân trọng biết ơn và tri ân những đóng góp của Đại tướng Nguyễn Quyết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, dù ở cương vị công tác cũng như khi đã nghỉ hưu, Đại tướng Nguyễn Quyết cũng tích cực phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước.
Khẳng định Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đang kế thừa truyền thống vẻ vang của các đồng chí lão thành cách mạng, vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến kính chúc đồng chí Đại tướng Nguyễn Quyết luôn mạnh khỏe.
Nhấn mạnh Đại tướng Nguyễn Quyết là một nhân chứng lịch sử sinh động, có ý nghĩa biểu tượng, ý nghĩa giáo dục rất cao cho thế hệ hiện tại, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy mong muốn bằng kinh nghiệm và trí tuệ, Đại tướng Nguyễn Quyết sẽ tiếp tục quan tâm, động viên và hỗ trợ Đảng bộ, chính quyền TP trong công cuộc xây dựng và phát triển của Thủ đô, đất nước.
Đại tướng Nguyễn Quyết bày tỏ vui mừng khi chứng kiến Hà Nội ngày càng phát triển, phát huy truyền thống anh hùng của Thủ đô. Theo đồng chí, những bài học, kinh nghiệm của Hà Nội trong khởi nghĩa cách mạng tháng 8 là những kinh nghiệm độc đáo, duy nhất trên thế giới. Đồng chí mong muốn TP Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, giáo dục truyền thống cách mạng đến các thế hệ trẻ thêm tự hào về lịch sử vẻ vang của TP và đất nước.
Tiếp đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đã đến thăm, tặng quà bà Phan Thị Phúc (sinh năm 1929, quê quán xã Châu Phong, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Bà Phan Thị Phúc vào Đảng ngày 16/2/1950, chính thức ngày 10/10/1950. Hiện đang sinh hoạt tại Chi bộ số 6, Đảng bộ phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm. Bà Phan Thị Phúc là vợ cố Phó Thủ tướng Nguyễn Cơ Thạch.
Tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 2/1944, bà Phan Thị Phúc đã trải qua nhiều vị trí công tác: Tham gia khởi nghĩa ở Hà Nội, tham gia Ủy ban Hành chính Lâm thời khu 21, Bí thư Phụ nữ Cứu quốc Khu Hoàn Kiếm, Bí thư Phụ nữ Cứu quốc thị xã Sơn Tây; Cán bộ văn phòng Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Hà Đông, cán bộ phòng Bào chế Cứu tế Xã hội Liên khu 3; Cán bộ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Ấn Độ; Trưởng khoa Dược bệnh viện Việt Đức; Vụ trưởng Vụ UNESCO Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam…
Ghi nhận những đóng góp, cống hiến của bà Phan Thị Phúc, Đảng, Nhà nước đã trao tặng bà Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến Chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Kháng chiến Chống Pháp hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp ngoại giao, Huy chương Vì sự nghiệp Bảo tồn Di sản Văn hóa Dân tộc, Kỷ niệm chương “Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8 ở Hà Nội” của các chiến sỹ Việt Minh thành Hoàng Diệu; nhiều huân chương, huy chương cao quý do bạn bè Quốc tế trao tặng; Huy hiệu 50, 60, 65, 70 và 75 năm tuổi Đảng.
Phát biểu tại buổi đến thăm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến bày tỏ lòng biết ơn đối với những đóng góp của bà Phan Thị Phúc và gia đình đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Tri ân những cán bộ lão thành cách mạng, tham gia hoạt động từ những ngày đầu cách mạng tháng 8, thay mặt Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chúc bà Phan Thị Phúc luôn mạnh khỏe và gửi lời mời đồng chí tham gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.
Bà Phan Thị Phúc cho biết, cả đời gắn bó với Thủ đô Hà Nội, tham gia cách mạng từ khi 15 tuổi, dù hoạt động cách mạng rất gian khổ nhưng bà luôn thấy vui, hạnh phúc vì luôn có lòng tin vào cách mạng. Vui mừng, hạnh phúc khi thấy Hà Nội ngày càng phát triển. Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo TP và các cấp chính quyền địa phương, bà Phan Thị Phúc mong muốn TP sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ngày càng có bước phát triển, xứng đáng Thủ đô anh hùng.