Lãnh đạo thế giới tiếp tục cam kết hỗ trợ cho tiếp cận công bằng vaccine COVID-19 và COVAX

Các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 do Mỹ chủ trì một lần nữa nhấn mạnh cam kết của họ trong việc đảm bảo tiếp cận công bằng vaccine COVID-19 cho tất cả các quốc gia qua COVAX.

*Các nhà lãnh đạo cam kết tài trợ, quyên góp liều vaccine và hỗ trợ các nước khác sẵn sàng ứng phó với đại dịch, vận chuyển và nhân rộng quy mô sản xuất vaccine toàn cầu, để đạt được tiếp cận công bằng toàn cầu đối với vaccine COVID-19.

*Để tăng cường tiếp cận cho các nước thu nhập thấp, Mỹ sẽ tài trợ thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer qua COVAX, bắt đầu từ năm 2022, và Thụy Điển sẽ tài trợ thêm 2.1 tỉ SEK (khoảng 243 triệu USD) từ năm 2021 đến 2022.

*Các cam kết tài trợ liều vaccine mới từ Liên minh châu Âu, bao gồm Ý và Tây Ban Nha, cũng như Thụy Điển, Đan Mạch, và Nhật Bản cũng có nghĩa là các thành viên khác của COVAX sẽ được nhận nhiều liều vaccine hơn trong năm 2021 và 2022.

Tiếp cận công bằng vaccine là yếu tố quan trọng để kết thúc giai đoạn cam go của đại dịch

Tiếp tục đà tăng trưởng và sự đoàn kết toàn cầu trong hơn 18 tháng vừa qua, được thể hiện trong nhiều cam kết bao gồm các hội nghị thượng đỉnh chủ trì bởi Liên minh châu Âu, G20 (dưới sự lãnh đạo của Ả Rập và Ý), Anh, G7 (dưới sự lãnh đạo của Anh), Mỹ, và Nhật Bản, hội nghị thượng đỉnh mới đây là một bước tiến mới trong việc đảm bảo tiếp cận công bằng vaccine qua COVAX.

Các nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục cam kết hỗ trợ cho tiếp cận công bằng vaccine.

Dưới vai trò nước chủ nhà, Mỹ đã đặt ra mục tiêu tiêm vaccine toàn cầu, và cam kết tài trợ thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer tới các nước thu nhập thấp và trung bình thấp qua COVAX. Trước đó, nước này đã cam kết tài trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer khác vào tháng 6 và chia sẻ thêm 90 liều bị thừa qua COVAX. Tới nay, Mỹ đã cam kết sẽ cung cấp gần 1,1 tỉ liều vaccine qua COVAX. Các liều vaccine được cam kết hỗ trợ trước đó hiện sắp được giao, và những liều mới cam kết này sẽ được giao từ tháng 1 năm 2022. Thêm vào đó, DFC (Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) sẽ cung cấp hơn 383 triệu USD tiền bảo hiểm rủi ro chính trị cho liên minh vaccine Gavi để hỗ trợ vận chuyển vaccine toàn cầu.

Mỹ và Liên minh châu Âu đã tuyên bố một chương trình nghị sự nhằm chống lại đại dịch toàn cầu, nhấn mạnh lại cam kết chia sẻ liều vaccine với COVAX và hỗ trợ các hoạt động cấp bách giúp các quốc gia sẵn sàng đối phó với dịch. Họ cũng kêu gọi các quốc gia khác làm điều tương tự - đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ liều vaccine một cách đều đặn và hiệu quả để tối ưu hóa sự bền vững của quá trình này cũng như giảm thiểu lãng phí liều vaccine. Tiếp nối các cam kết trước đó, châu Âu cam kết chia sẻ 500 triệu liều vaccine trước giữa năm 2022.

Bên cạnh các cam kết này, một số các quốc gia khác cũng cam kết quyên góp thêm liều vaccine cho các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm cả các liều ủng hộ qua COVAX. Tây Ban Nha cam kết thêm 7,5 triệu liều, Ý quyên góp thêm 30 triệu liều trước cuối năm nay và Nhật Bản, quốc gia chủ trì hội nghị thượng đỉnh ‘Một thế giới được bảo vệ’ của Gavi, COVAX, AMC vào tháng 6 năm 2021, cam kết khoảng 60 triệu liều. Thêm vào đó, Đan Mạch tuyên bố trong Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây rằng quốc gia này sẽ gấp đôi cam kết quyên góp liều vaccine, tổng cộng cam kết quyên góp 6 triệu liều.

Cần phải mở rộng mạnh tiếp cận với vaccine

Bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO cho biết: "Nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu tiêm vaccine cho 10% dân số của tất cả các quốc gia vào cuối tháng này, 40% vào cuối năm 2021, và 70% vào giữa năm sau, chúng ta cần phải mở rộng mạnh tiếp cận với vaccine ngay bây giờ".

Cần nhanh chóng chóng tiêm vaccine cho những đối tượng nguy cơ cao trên thế giới.

Giám đốc điều hành UNICEF cho biết: "Hiện mới chỉ có 12% số liều vaccine được cam kết chia sẻ đến thời điểm này được giao, và các quốc gia thu nhập thấp thực sự không thể đợi được nữa. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia cam kết chia sẻ vaccine đẩy nhanh kế hoạch quyên góp vaccine của họ".

Bác sĩ Seth Berkley, CEO của Gavi cho biết: "Với sự xuất hiện của các biến thể và sự thiếu công bằng trong tiếp cận vaccine COVID-19 hiện nay, chúng ta phải nhanh chóng tiêm vaccine cho những đối tượng nguy cơ cao trên thế giới. Chúng ta không thể trì hoãn thêm việc tiêm vaccine cho những đối tượng này – bởi làm thế tức là kéo dài đại dịch và làm xáo trộn cuộc sống của tất cả chúng ta".

Mới đây COVAX đã đăng tải một cập nhật dự báo về tình hình cung ứng vaccine. Bản cập nhật này cho thấy dù việc vận chuyển vaccine tới các quốc gia đang được đẩy mạnh và sẽ tăng tốc đáng kể cho tới cuối năm nay, vẫn có khá nhiều mối nguy cơ rình rập.

Bởi vậy, các đối tác của COVAX đã đưa ra một kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm xóa bỏ tất cả các rào cản về xuất khẩu để các nhà sản xuất có thể giao hàng cho COVAX và minh bạch trong kế hoạch giao hàng.

COVAX cũng kêu gọi các nước đang ở trong ưu tiên giao hàng của các nhà sản xuất và hiện đã phủ vaccine tốt nhường chỗ cho COVAX và các quốc gia thu nhập thấp và trung bình mà họ đang hỗ trợ; mở rộng, đẩy mạnh, và hệ thống hóa việc quyên góp liều vaccine để ủng hộ được nhiều liều vaccine có hạn, dùng dài hơn một cách nhanh chóng hơn, để các quốc gia nhận vaccine chuẩn bị tiêm chủng cộng đồng tốt hơn.

Cho tới nay, COVAX đã giao hơn 300 triệu liều vaccine cho 142 quốc gia, và theo dự báo mới nhất, tổng cộng 1,2 tỉ liều vaccine sẽ được giao đến các quốc gia thu nhập thấp được hỗ trợ bởi Cam kết Thị trường Ưu tiên COVAX (AMC) cho đến cuối năm 2021. Mục tiêu chính của COVAX, cung cấp 2 tỉ liều vaccine, giờ đây được dự đoán là sẽ đạt được trong quý đầu năm 2022.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//lanh-dao-the-gioi-tiep-tuc-cam-ket-ho-tro-cho-tiep-can-cong-bang-vaccine-covid-19-va-covax-169210924210526563.htm