Lãnh đạo TPHCM trả lời về những công trình hạ tầng hoàn thành năm 2021
Năm 2021, TPHCM tiếp tục dồn vốn để đầu tư khép kín đường vành đai 2; thi công hoàn thiện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng...
Trong phiên chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX ngày 8-12, nhóm vấn đề được các đại biểu chất vấn là tình trạng chậm tiến độ của nhiều dự án giao thông trọng điểm, triển khai ì ạch gây bức xúc cho người dân nguyên nhân chủ yếu là chậm giải phóng mặt bằng, thành phố có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?
Trả lời đại biểu HĐND, Chủ tịch TPHCM cho biết dù đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một số dự án giao thông lớn nhưng vẫn còn rất nhiều công trình ì ạch do khâu giải phóng mặt bằng, từ đó dẫn đến đội vốn đầu tư.
Lý giải cho tình trạng chậm trễ của các dự án ông Phong nói rằng, trước đây đầu tư hạ tầng còn có hình thức BOT và BT. Tuy nhiên, khi hình thức BT đã tạm ngưng vì tính khả thi thấp, hình thức BOT theo Nghị quyết số 437 của Quốc hội phải áp dụng cho công trình mới thì hoạt động đầu tư hạ tầng chỉ còn trông chờ vào nguồn vốn công. Ví dụ, như dự án cầu đường Bình Tiên, trước đây tính toán làm theo hình thức BT, sau đó rà soát lại thì không thực hiện được theo hình thức BT nên phải chuyển sang đầu tư công.
Các dự án giao thông trọng điểm, do khó khăn vốn, giải phóng mặt bằng chậm, cộng với việc phải qua rất nhiều khâu khi sử dụng vốn ngân sách nên nhiều dự án chậm kéo dài nhiều năm.
Về giải pháp thực hiện trong những năm tới để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, ông Phong cho biết, Chính phủ đã đồng ý cho TPHCM cơ chế thí điểm trong giải phóng mặt bằng, các sở ngành đang xây dựng quy trình thực hiện. Thời gian tới, tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án sẽ được đẩy nhanh hơn.
Đồng thời, TPHCM sẽ triển khai đề án kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030, trong đó có đề ra giải pháp về vốn, mặt bằng, đầu tư có trọng điểm và không dàn trải.
Năm 2021, người đứng đầu chính quyền TPHCM khẳng định sẽ quyết liệt hơn nữa để xây dựng khép kín một số đoạn còn lại của đường vành đai 2; xây dựng vành đai 3; hoàn thành đưa vào khai thác tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cùng nhiều công trình trọng điểm cửa ngõ.
Trong đó, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) khối lượng thực hiện đạt 76%, trong đó, bàn giao mặt bằng công viên Lam Sơn rút ngắn 137 ngày so với kế hoạch, công tác thi công tầng B1 ga Nhà hát thành phố rút ngắn 96 ngày so với kế hoạch. Dự án đưa vào vận hành thương mại cuối năm 2021.
Ngoài ra, TPHCM sẽ đưa vào vận hành dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng để giảm ngập cho nhiều quận, huyện.
Lê Anh – Quốc Hùng