Lãnh đạo trường Đại học Nga nói về sự giúp đỡ của Liên Xô trong chiến thắng lịch sử 30/4
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Moskva về sự kiện lịch sử 30/4/1975 của Việt Nam, Tiến sĩ Evgeny Vlasov, quyền Phó Hiệu trưởng phụ trách quan hệ quốc tế của Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông (DVFU) cho rằng Liên Xô đã hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, bằng cách trang bị vũ khí, đào tạo cán bộ và cử các chuyên gia quân sự sang Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Evgeny Vlasov, Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong lĩnh vực phòng không, bởi “Việt Nam đã trở thành đất nước bị ném nhiều bom nhất trong lịch sử thế giới” (gần 8 triệu tấn bom).
Là người người có nhiều năm nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, đồng thời bảo vệ luận án tiến sỹ với đề tài “Chính sách Đổi mới của Việt Nam từ năm 1986”, Tiến sĩ Evgeny Vlasov nhấn mạnh sau khi tái thống nhất Việt Nam vào năm 1975, chính quyền mới đã tiến hành khôi phục nền kinh tế bị tàn phá sau chiến tranh. Liên Xô vẫn tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam với hơn 300 doanh nghiệp lớn nhất được xây dựng có sự hỗ trợ của Liên Xô. Ngoài ra, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam đã học tập tại Moskva, St. Petersburg và nhiều thành phố khác của Liên bang Xô Viết.
Theo Tiến sĩ Evgeny Vlasov, trong báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người cũng từng học tập tại Liên Xô cũ, không chỉ xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm (2021-2025) mà còn xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Theo đó, đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Tiến sĩ E. Vlasov nói: “Một nền kinh tế mạnh là cơ sở cho sự phát triển ổn định của xã hội và đất nước”.
Theo lãnh đạo Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông, trong những năm gần đây, Việt Nam đã củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực đối ngoại, đặc biệt là những thành công trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 và vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19.
Đánh giá về quan hệ Việt - Nga, Tiến sĩ Evgeny Vlasov cho rằng trong những năm qua, tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc đã được thiết lập và duy trì, là cơ sở cho đối thoại chính trị ổn định ở cấp cao nhất. Mức độ tin cậy và sự phát triển hiện nay của quan hệ song phương cho phép đưa ra những dự báo lạc quan. Điều này được chứng minh qua chuyến thăm của Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev tới Hà Nội vào tháng 3 năm nay, khi các vấn đề về chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng được thảo luận.
Tiến sĩ Evgeny Vlasov tin tưởng tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin và Nga luôn sẵn sàng cho sự hợp tác sâu rộng hơn.
Nhà Việt Nam học người Nga nói: “Tôi rất vui mừng vì quan hệ hai nước chúng ta có đặc trưng là tình hữu nghị, sự gần gũi về văn hóa và tôi hy vọng giai đoạn hợp tác tiếp theo của chúng ta sẽ nằm trong lĩnh vực giải pháp chung cho các vấn đề của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các dự án chung trong khuôn khổ APEC và ASEAN”.
Tiến sĩ Evgeny Vlasov cho biết Nga luôn quan tâm đến việc thu hút các chuyên gia Việt Nam đến học tập tại Nga và sau đó trở về làm việc vì lợi ích của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời góp phần vào việc phát triển quan hệ với Nga. Do đó, hiện nay các trường đại học Nga đang gia tăng chỉ tiêu cho sinh viên Việt Nam.