Lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh
Ngày 21/7, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh để nghe báo cáo, kiến nghị của Ban về các lĩnh vực xây dựng, tài chính và môi trường, đất đai… Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ có những định hướng, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

Các đại biểu dự buổi làm việc.
Tham gia buổi làm việc có lãnh đạo các sở: Công Thương, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường.
Báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) và các khu công nghiệp (KCN) tỉnh nêu rõ: Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Ninh Bình được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và được UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, có chức năng quản lý trực tiếp các khu kinh tế, KCN trên địa bàn tỉnh.
Theo Quy hoạch phát triển KKT và các KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam cũ, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh có 53 KCN với tổng diện tích 12.929 ha và 1 KKT ven biển Ninh Cơ với diện tích 13.950ha. Trong đó, 42 KCN với tổng diện tích 9.894 ha đã được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất. Một số KCN đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%, điển hình như KCN Hòa Xá, Khánh Phú, Tam Điệp I…
Riêng KKT Ninh Cơ (13.950 ha) đang được đẩy mạnh triển khai với các dự án trọng điểm như: Nhà máy thép xanh Xuân Thiện (88.000 tỷ đồng), KCN dệt may Rạng Đông (4.628 tỷ đồng)… Giai đoạn 2024-2030 tập trung hoàn thiện hạ tầng, đến sau năm 2030 phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các KCN thu hút 104 dự án mới, tổng vốn đầu tư đạt 1,4 tỷ USD và 26.800 tỷ đồng; doanh thu đạt hơn 221.000 tỷ đồng, xuất khẩu 7,8 tỷ USD, nộp ngân sách 10.500 tỷ đồng. Lao động tại KCN đạt 192.000 người, thu nhập bình quân 7,5-7,9 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh kết quả tích cực, báo cáo cũng chỉ rõ một số khó khăn như: quy định pháp luật thay đổi, thiếu nguồn nhân lực, doanh nghiệp còn vi phạm về xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy... Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh kiến nghị tỉnh phân cấp mạnh hơn, bổ sung biên chế, đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ phần mềm quản lý nhằm nâng cao hiệu quả điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Qua nghe báo cáo và thảo luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn đã ghi nhận, đánh giá cao tinh thần đoàn kết thống nhất của lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của Ban đã nhanh chóng bắt tay vào công việc, không để gián đoạn. Điều này thể hiện qua thông tin, báo cáo đầy đủ, tích hợp cả 3 địa bàn trước khi sáp nhập, những nội dung công việc đang triển khai và định hướng trong thời gian tới.
Đồng chí nhấn mạnh: Khu kinh tế, Khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, sự phát triển của các KKT, các KCN của tỉnh thời gian qua vẫn còn một số vướng mắc, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Do vậy, đồng chí yêu cầu: Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh sớm có quy chế phối hợp với các ngành trong tỉnh để tạo thuận lợi, nhanh nhất cho công tác thu hút đầu tư và đảm bảo hoạt động hiệu quả của các nhà đầu tư trên địa bàn.
Cùng với đó, cần bắt tay vào công tác quy hoạch lại tổng thể, đồng bộ, phù hợp đảm bảo tính khoa học, tránh lãng phí, phù hợp với các quy hoạch ngành khác, có định hướng phát triển lâu dài và phù hợp với quy hoạch tỉnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn đối với những dự án chậm tiến độ, dự án không hiệu quả… nhằm tạo môi trường đầu tư công bằng, văn minh, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.