Lãnh đạo xuống nước, dân Hong Kong vẫn quyết biểu tình tiếp
Dù chính quyền Hong Kong chấp nhận xuống nước bằng cách đình chỉ dự luật biểu tình, những người tổ chức biểu tình ở đặc khu vẫn đang chuẩn bị cho một cuộc tập hợp lớn trong ngày hôm nay vì phẫn nộ trước vụ đụng độ gay gắt chưa từng thấy giữa người biểu tình với cảnh sát.
Các nhà tổ chức hy vọng sẽ tập hợp được một cuộc xuống đường rầm rộ nữa để duy trì sức ép lên Trưởng đặc khu Carrie Lam, dù bà đã chính thức tuyên bố dừng dự luật và thừa nhận đánh giá sai tâm lý của người dân.
Những người chỉ trích cho rằng dự luật được Bắc Kinh hậu thuẫn này sẽ đẩy nhiều người đến nguy cơ bị xét xử không công bằng ở đại lục và sẽ phá hoại danh tiếng của thành phố như một trung tâm kinh tế an toàn.
Trung tâm tài chính quốc tế này đã bị rung chuyển bởi đợt đụng độ bạo lực nhất giữa người biểu tình với cảnh sát kể từ khi thành phố được trao trả về Trung Quốc năm 1997. Hôm 12/6, hàng chục ngàn người biểu tình đã bị cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán.
Bà Lam không cam kết sẽ bỏ vĩnh viễn dự luật, nên sự nhượng bộ của bà vẫn bị những người tổ chức biểu tình cho là chưa đủ. Họ kêu gọi bà từ chức, vứt bỏ dự luật và xin lỗi vì cách hành xử bạo lực của cảnh sát với người biểu tình.
Jimmy Sham, thành viên nhóm biểu tình mang tên Mặt trân quyền dân sự, ví để xuất của bà Lam như “con dao” đã phi xuống thành phố.
“Nó gần như đã chạm tim chúng tôi. Giờ đây chính quyển nói họ sẽ không thúc đẩy nó, nhưng họ cũng từ chối rút nó ra”, Sham nói.
Chiều nay, người biểu tình dự định sẽ tập trung ở công viên trên đảo chính của thành phố rồi di chuyển về trụ sở cơ quan lập pháp, như lần tụ tập trước mà các nhà tổ chức nói rằng đã có hơn 1 triệu người tham gia.
Việc bà Lam phớt lờ cuộc biểu tình đông kỷ lục đó và tiếp tục thúc đẩy để dự luật được thông qua đã châm ngòi cho những xung đột khiến thành phố tê liệt trong ngày 12/6.
Phong trào biểu tình nay đã vượt khỏi mục tiêu đòi bỏ dự luật dẫn độ để trở thành chiến dịch đấu tranh nhằm phản đối bà Lam và Bắc Kinh vì tình trạng mà họ gọi là suy giảm dân chủ trong những năm qua.
“Nhóm ủng hộ dân chủ sẽ không dừng ở đây, họ muốn tạo nên một phong trào chống lại bà Carrie Lam”, nhà phân tích chính trị Willy Lam đánh giá.
Người dân Hong Kong cũng nổi giận khi bà Lam và các quan chức cấp cao khác gọi người biểu tình là “những người nổi loạn”.
Các lãnh đạo biểu tình kêu gọi cảnh sát không buộc tội nổi loạn hay bất kỳ tội danh nào đối với những người biểu tình bị bắt sau khi đụng độ với cảnh sát hôm 12/6.