Lành mạnh môi trường MXH: Cần học cách đối mặt với bình luận tiêu cực
BS. Nguyễn Trung Nghĩa cho rằng, đôi khi cần đọc bình luận để đón nhận những góp ý thẳng thắn, giúp cho mình làm nội dung tốt hơn, chỉnh sửa lỗi sai.
Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Trung Nghĩa hiện đang làm việc tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tinh thần Vinmec Times City. Trước khi trở thành "bác sĩ triệu view" qua kênh TikTok @bs.nguyentrungnghia, anh thường xuyên chia sẻ kiến thức qua kênh YouTube, các podcast của dự án Đuốc Mồi về sức khỏe tinh thần.
Dùng TikTok để giúp mọi người biết chăm sóc sức khỏe tinh thần
Người Đưa Tin (NĐT): Được biết, trước khi xây dựng kênh trên Tiktok, anh đã từng chia sẻ kiến thức y khoa chuyên ngành trên Youtube. Đâu là lý do khiến anh chọn TikTok là nền tảng tiếp theo để chia sẻ những kiến thức trên đến cộng đồng ạ?
Mình được gợi ý sử dụng nền tảng TikTok để video dễ lên xu hướng và tiếp cận với nhiều người hơn. Thời điểm đó cũng chưa có nhiều bác sĩ chia sẻ về kiến thức chuyên môn, đặc biệt về tâm thần, chưa có người cung cấp những kiến thức được kiểm chứng khoa học để cho mọi người hiểu về sức khỏe tinh thần.
Mình mong muốn có thể đóng góp những điều có ích cho mọi người trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. Nhiều người biết hơn thì nhiều người sẽ hưởng lợi hơn.
Mình cũng suy nghĩ mất khoảng 6 tháng về chuyện có nên làm hay không vì đa phần mọi người nghĩ rằng một bác sĩ lên TikTok sẽ là để giải trí, đánh bóng tên tuổi hoặc làm thương hiệu.
Bất cứ một phát ngôn hay thông tin nào đưa ra, nếu có những điều chưa chính xác thì hoàn toàn có thể chịu sự tấn công từ cộng đồng mạng. Quả thực, sau khi làm TikTok, vài tình huống quan điểm mình đưa ra có thể trái ý, hay có những người chưa xem hết video đá đánh giá phán xét. Một vài tình huống clip được cắt ra từ podcast dài nên không hết ý, khiến người xem hiểu lầm.
Tuy nhiên, mình vẫn quyết định làm thử, kể những câu chuyện từng gặp để mọi người dễ hình dung vấn đề. Khi nghe những câu chuyện, nhiều người thấy mình ở trong đó, họ thấy cảm thấy đồng cảm, mình không cô đơn. Những phản ứng tích cực từ cộng đồng là nguồn động lực để mình tiếp tục phát triển kênh.
NĐT: Lượng kiến thức y khoa chuyên ngành thường rất lớn và có nhiều thuật ngữ khó tiếp thu trong khi TikTok lại có giới hạn về thời gian. Anh đã làm thế nào để vừa truyền tải hết khối kiến thức đó đồng thời thu hút người xem trên Tiktok?
Mình thường lựa chọn, lên kế hoạch thật kĩ cho những nội dung mà mình muốn đưa trong khoản thời gian giới hạn đó. Thường sẽ có cấu trúc sẵn, rõ ràng cho nội dung truyền tải. Ví dụ như 1 phút để nói về câu chuyện, 2 phút để phân tích. Mỗi clip như vậy mình chỉ truyền tải một chủ đề duy nhất. Nếu vấn đề dài hơn thì có thể chia nhỏ video để đăng.
Quan trọng nhất là cần xác định mục tiêu ngay từ đầu. Mình không hướng đến việc trình bày một bài đủ dài, sâu về kiến thức mà mình chỉ mong muốn gợi lên cho người xem biết về khái niệm đó, để họ có thể nhận diện những thứ xung quanh, hiểu biết để có thể xử lý vấn đề của mình. Và khi họ bắt đầu đồng cảm, hứng thú về chủ đề đó, họ sẽ chủ động tìm kiếm những kiến thức sâu hơn.
NĐT: Anh nghĩ sao về việc có một cộng đồng bác sĩ liên kết với TikTok để chia sẻ kiến thức về y khoa trong thời gian tới?
Như vậy sẽ có thêm giới chuyên môn để hỗ trợ, kiểm duyệt thông tin. Vừa tốt về mặt quản lý xã hội đồng thời tốt về mặt quản lý giáo dục, về những sản phẩm, dịch vụ y khoa đúng chuẩn và được kiểm soát. Người dùng sẽ nhận được những sản phẩm chất lượng và chỉn chu hơn.
Không có cách nào để tránh những bình luận tiêu cực
NĐT:Theo anh, người dùng TikTok nên làm thế nào để có thể tránh những thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến sức khỏe tràn lan như hiện nay?
Người dùng có thể phân biệt được điều gì đúng sai, nó vẫn luôn năm trong kỹ năng về phản biện và sự cẩn trọng của mọi người khi sử dụng kiến thức ở trên mạng xã hội hay bất cứ nơi đâu, kể cả trong kiến thức về văn hóa, chính trị hay y khoa.
Hiện nay, chúng ta rất dễ bị người khác "dắt mũi", chính vì vậy, cần rèn cho mình khả năng phản biện, kiểm tra thông tin trước khi tin và sử dụng nó.
NĐT: Là một bác sĩ tâm thần, theo anh, những thông tin xấu độc, phản cảm và không đúng sự thật trên Tiktok có ảnh hưởng thế nào đến tâm lý của người xem, nhất là những người trẻ đang trong độ tuổi tâm sinh lý chưa ổn định?
Thông tin xấu độc, phản cảm sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý. Ngay cả trong những nghiên cứu nội bộ của tiktok cũng đã chỉ ra trẻ em dưới 13-14 tuổi có sử dụng mạng xã hội sẽ tăng tỉ lệ lo âu, trầm cảm.
Mạng xã hội sẽ phát hiện ra bạn có xu hướng dành nhiều thời gian cho nội dung nào, nó sẽ tiếp tục gợi ý những nội dung, ngôn từ, nhóm ngữ cảnh tương tự. Một khi xu hướng của bạn là dành nhiều thời gian và bị thu hút bởi những thứ tiêu cực, lập tức vòng xoáy tiêu cực sẽ cuốn bạn vào.
Dần dần điều đó sẽ dẫn tới việc thay đổi thế giới quan. Mỗi ngày mở mạng xã hội lên chỉ thấy những thứ kinh khủng, thấy thế giới xung quanh những điều đó là đúng trong khi vẫn có những điều khác tốt đẹp hơn. Nó làm cực đoan hóa tư duy, niềm tin, cảm xúc của một người.
Tư duy sẽ định hướng cho cảm xúc và cả hành động. Khi niềm tin được xác nhận sẽ củng cố cho hành vi. Một người nhìn thấy hành động đó nhiều và lặp đi lặp lại, họ sẽ nghĩ rằng đó là chuyện thường ngày trong xã hội, đó là cách duy nhất để xử lý tình huống và áp dụng theo. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, ở thời điểm hiện tại, TikTok đang kiểm soát khá tốt nhũng nội dung về mặt bạo lực, không lành mạnh hay trái pháp luật.
NĐT: Nhiều người dùng Tik Tok hiện nay thường xuyên phải đối mặt với những áp lực, ý kiến trái chiều từ công chúng gây ảnh hưởng đến tâm lý. Anh có lời khuyên nào dành cho họ không?
Nếu họ không muốn phải đối mặt với những điều tiêu cực, chỉ có không nổi tiếng nữa hoặc không cung cấp những nội dung cộng đồng. Còn một khi đã lên xu hướng, được nhiều người theo dõi thì chắc chắn nó sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.
Có những người, bối cảnh văn hóa, cách họ lớn lên, cách họ được nuôi dạy hay nỗi đau mà họ trải qua làm cho họ mong muốn tấn công, sát thương người khác. Hoặc đơn giản họ nghĩ đó là tương tác bình thường với mọi người chứ không nghĩ đó là sự tổn thương.
Một là không làm, hai là làm nhưng không đọc bình luận, ba là làm và đọc bình luận nhưng biết được điều cốt lõi của bản thân, biết những giá trị, mong muốn và biết vì sao mình làm điều mình đang làm.
Vì đôi khi mình cũng cần đọc bình luận để đón nhận những góp ý thẳng thắn, giúp cho mình làm nội dung tốt hơn, chỉnh sửa lỗi sai. Như vây, nếu mình có thể hiểu rằng đọc bình luận là để hiểu về sản phẩm của mình chứ không phải chịu tấn công vào cái mình, vào bản thân mình, thì mình sẽ thấy nhẹ nhàng hơn
Bản thân mình cho rằng không có cách nào để tránh những bình luận tiêu cực, chỉ có cách mình đối mặt và xử lý nó thôi.