Lãnh tụ Iran ân xá cho 22.000 người biểu tình bạo loạn năm 2022
Tổng cộng hơn 82.000 người đã được ân xá, trong đó có 22.000 người biểu tình bị bắt trong làn sóng bạo loạn năm 2022.
Lãnh tụ tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei đã ra lệnh ân xá cho 22.628 người bị bắt trong làn sóng biểu tình sau cái chết của một phụ nữ người Kurd khi bị cảnh sát bắt giam vào năm ngoái. Bộ trưởng Tư pháp Gholamhossein Mohseni Ejei đã đưa ra thông báo này trong một tuyên bố vào ngày 13/3.
Ông Ejei làm rõ rằng những người được ân xá là những người không bị buộc tội trộm cắp hoặc tội phạm bạo lực, gián điệp hoặc là thành viên của một số nhóm nhất định.
Tính tổng cộng, Lãnh tụ tối cao Khamenei đã ân xá cho 82.656 tù nhân hoặc cá nhân đang phải đối mặt với cáo buộc trong đợt ân xá hàng loạt nhân kỷ niệm 44 năm Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Thông báo này cũng được đưa ra một tuần trước lễ mừng năm mới Nowruz của người Ba Tư và bắt đầu tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Đợt ân xá hàng loạt này lần đầu tiên được công bố vào tháng trước, khi Lãnh tụ tinh thần Ayatollah đồng ý ân xá cho “hàng chục nghìn” tù nhân. Trong số này có thể có người tham gia trong tình trạng bất ổn gần đây nhưng không bị buộc tội gián điệp hoặc dính líu đến các nhân viên tình báo nước ngoài, không làm hư hại tài sản nhà nước và không làm bị thương hoặc sát hại bất kỳ ai trong các cuộc bạo loạn.
Các nhóm đối lập và các nhà hoạt động kêu gọi trả tự do cho những người biểu tình bị giam giữ hiện đang yêu cầu các quan chức Iran phải “chịu trách nhiệm” về mà Phó giám đốc Trung tâm Nhân quyền Mỹ ở Iran mô tả là “việc tùy tiện bỏ tù hàng chục nghìn người".
Trong khi đó, Iran cáo buộc Mỹ và Israel xúi giục tình trạng bất ổn bùng phát vào tháng 9 năm ngoái sau vụ việc một phụ nữ trẻ tên là Amini, 22 tuổi, người bị cảnh sát đạo đức bắt vì đội khăn trùm đầu “không phù hợp”, đã chết khi đang bị giam. Kết quả kiểm tra y tế cho rằng cái chết của cô là do suy đa tạng xuất phát từ tình trạng sẵn có, nhưng các tổ chức phản đối chính phủ và các nhóm do Mỹ hậu thuẫn cho rằng Amini đã bị cảnh sát đánh chết.
Cái chết của Amini trở thành lời kêu gọi tập hợp các cuộc biểu tình bạo lực thường xuyên mà Iran cho rằng đã được dàn dựng có chủ ý để kích động một cuộc đàn áp của cảnh sát. Sự kiện như vậy có thể được phương Tây sử dụng làm lý do biện minh cho các biện pháp trừng phạt nhiều hơn đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Một nỗ lực của EU theo bước Mỹ bằng cách tuyên bố Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo là một tổ chức khủng bố đã bị hủy bỏ vào phút cuối hồi tháng 1 năm nay. Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của khối, ông Josep Borrell, thừa nhận rằng để tuyên bố như vậy, một quốc gia EU trước tiên phải tìm ra bằng chứng tổ chức quân sự Iran này phạm tội khủng bố.
Sau làn sóng biểu tình biến thành bạo loan nói trên, chính quyền Iran đã quyết định giải tán lực lượng cảnh sát đạo đức. Theo Bộ trưởng Tư pháp Iran, Mohammad Jafar Montazeri, mặc dù tổ chức này đã bị bãi bỏ, nhưng các nhà chức trách sẽ “tiếp tục giám sát các hành vi ở cấp cộng đồng”.
Bên cạnh đó, các quan chức Iran cũng đang xem xét liệu họ có cần thay đổi luật yêu cầu phụ nữ che đầu hay không.
Lực lượng cảnh sát đạo đức Iran được thành lập vào năm 2005 để kiểm soát cách mọi người tuân thủ các quy tắc Hồi giáo về quần áo và hành vi. Lực lượng này đã bị EU, Mỹ và Anh trừng phạt sau cái chết của Mahsa Amini, người đã bị bắt vì bị cáo buộc đeo khăn trùm đầu “không đúng cách”.