Lào Cai: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhật thức người dân để phòng chống nạn buôn bán người vùng biên giới
Lào Cai có hơn 182 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, vừa là địa bàn trực tiếp, vừa là địa bàn trung chuyển của tội phạm mua bán người. Lào Cai cũng là địa phương thu hút nhiều người từ tỉnh, thành khác đến sinh sống, làm việc, du lịch, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người.
Nạn buôn bán người vẫn diễn biến phức tạp
Ngày 30/10 vừa qua, Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai vừa triệu tập 3 đối Thào A Dơ, Sùng A Sì và Hoàng Thị Duyến về hành vi mua bán người. Nhóm đối tượng đã lên mạng xã hội để làm quen với các cô gái. Khi nạn nhân “sập bẫy”, các đối tượng đã lừa sang bên kia biên giới rồi bán cho người khác.
Với nhiều thủ đoạn như: hứa hẹn việc làm tốt, thu nhập cao, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi… nhiều phụ nữ, các cô gái trẻ vô tình trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 840 nạn nhân bị mua bán trở về; trong đó 320 nạn nhân là người địa phương. Hầu hết nạn nhân đều là những người sống trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chủ yếu không có việc làm, thiếu hiểu biết xã hội, nhẹ dạ cả tin.
Với lợi nhuận từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng khi mỗi phi vụ, nên các đối tượng không từ thủ đoạn để lừa bán nạn nhân. Cảnh giác với các chiêu trò của đối tượng lạ mặt sẽ giúp các nạn nhân không sập bẫy của tội phạm mua bán người.
Lào Cai có hơn 182 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, vừa là địa bàn trực tiếp, vừa là địa bàn trung chuyển của tội phạm mua bán người. Lào Cai cũng là địa phương thu hút nhiều người từ tỉnh, thành khác đến sinh sống, làm việc, du lịch, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người.
Theo Bộ Công an, có khoảng 80% nạn nhân của nạn buôn bán người bị bán sang các quốc gia có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam. Số còn lại sang một số nước khác bằng đường bộ, đường không và đường biển nên công tác phòng ngừa phát hiện điều tra xử lý gặp nhiều trở ngại.
Vì thế, mặc dù đã được kéo giảm, tuy nhiên, đến nay, vấn nạn buôn bán người vẫn diễn biến phức tạp, để lại nhiều nỗi đau trong mỗi gia đình và những hệ lụy lâu dài về mặt xã hội. Vì thế việc tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng tránh cho người dân; đồng thời huy động nguồn lực tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng đang được quan tâm.
Đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân
Trong giai đoạn từ năm 2016 – 2021, trên địa bàn toàn tỉnh lào Cai đã tổ chức được trên 10.000 buổi phổ biến giáo dục pháp luật, với hơn 1 triệu lượt người dân tham gia. Góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật nói chung, Luật Phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em nói riêng.
Tuy nhiên trước vấn nạn buôn bán người vẫn diễn biến phức tạp, để giảm thiểu tình trạng này, việc tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đang được chú trọng.
Trung úy Lã Văn Tùng, Công an xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai cho biết: “Trên các trang mạng xã hội có rất nhiều nội dung xấu, kẻ xấu thường lợi dụng để lừa trẻ em vị thành niên đi làm thuê ở các công ty hoặc là lừa đi rồi bán sang nước ngoài. Chính vì vậy, tích cực tuyên truyền đến từng thôn, hộ gia đình có con nhỏ hiểu về mức độ nguy hiểm của các trang mạng xã hội.”
Chị Lý Thị Lai, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà cho biết: "Được tuyên truyền, đọc báo, xem ti vi nhiều thì mình cũng biết hậu quả của mua bán người. Mình cũng dặn các con phải cẩn trọng, không được tin hay đi theo người lạ".
Tên địa bàn tỉnh Lào Cai, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đều quan tâm, triển khai kịp thời với nội dung, hình thức tuyên truyền có sự đổi mới, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, từng khu vực như trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo hình, báo viết, loa phát thanh tại các xã, phường, thị trấn và trường học…
Theo Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai, thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; thời gian qua, ngành này đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh truyền thông về công tác phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh.
Cùng với đó là các hình thức truyền thông phong phú và đa dạng như: nói chuyện chuyên đề, cung cấp tài liệu, băng rôn, khẩu hiệu; trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nội dung về phòng, chống mua bán người phát trên loa phát thanh 13 xã biên giới; tổ chức hàng trăm buổi truyền thông tại các phiên chợ, trường học, địa bàn biên giới thu hút gần 31.000 người tham dự. Cấp phát tờ rơi "Chung tay ngăn chặn nạn mua bán người", "Sổ tay di cư an toàn" cho học sinh, sinh viên và nhân dân tại các xã có nguy cơ cao về nạn mua bán người…;
Ông Nguyễn Tường Long, Trưởng Ban Quản lý Dự án Phòng, chống mua bán người, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh lào Cai cho biết: "Sở phối hợp chặt chẽ với cơ quan, ban, ngành, đồn biên phòng, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số biên giới, đặc biệt là trẻ em ở trường phổ thông biết âm mưu, thủ đoạn để nâng cao cảnh giác, không rơi vào cạm bẫy của mua bán người".
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, qua các buổi truyền thông, đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, nhận diện được nạn nhân cũng như kẻ mua bán người và có được những kỹ năng cần thiết để không trở thành nạn nhân bị mua bán.