Lào Cai: Du lịch cộng đồng sẽ phát triển như thế nào đến năm 2030?

Lào Cai với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch cộng đồng. Trong những năm qua, tỉnh đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách, nhờ vào các dịch vụ homestay, trải nghiệm văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, và sự kiện lễ hội truyền thống.

 Lào Cai đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới.

Lào Cai đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới.

Từ những bước đầu tiên với 13 điểm du lịch cộng đồng, Lào Cai đã thu hút hàng nghìn lao động tham gia ngành công nghiệp không khói này. Những điểm đến nổi bật như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên không chỉ thu hút khách bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn mang đến cơ hội trải nghiệm đời sống văn hóa đặc trưng của các dân tộc Giáy, Dao, Tày, Mông và Hà Nhì.

Du khách có thể sống như một người dân bản địa với các hoạt động như “Một ngày làm nông dân Sa Pa”, hái mận, lê tại Bắc Hà hay tham gia các lễ hội truyền thống như Gầu tào của người Mông hay nhảy lửa của người Dao.

Tuy nhiên, du lịch cộng đồng tại Lào Cai vẫn còn những thách thức nhất định. Nhiều mô hình ban đầu được triển khai thí điểm dưới sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, thiếu tính toàn diện và đồng bộ trong quy hoạch. Điều này khiến một số nơi phát triển tự phát, gây khó khăn cho việc quản lý và phát triển bền vững.

Để khắc phục những hạn chế và đưa du lịch cộng đồng phát triển đúng hướng, ngày 5/9/2024, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành quyết định 2247/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030”.

Đề án này đặt mục tiêu đón 1,7 triệu lượt khách du lịch cộng đồng vào năm 2030, với tổng doanh thu từ du lịch cộng đồng chiếm 10% tổng thu nhập từ ngành du lịch toàn tỉnh.

Ngoài ra, Lào Cai đặt ra mục tiêu xây dựng 6 mô hình du lịch cộng đồng đạt chuẩn ASEAN, tiêu biểu như thôn Tả Van Giáy (Sa Pa) gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Giáy; thôn Choản Thèn (Y Tý, Bát Xát) gắn với văn hóa dân tộc Hà Nhì; xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) gắn với văn hóa dân tộc Tày; thôn Hầu Chư Ngài (Sa Pa) gắn với văn hóa dân tộc Mông; thôn Sả Xéng (Tả Phìn, Sa Pa) gắn với văn hóa dân tộc Dao; thôn Bản Dền - La Ve (Bản Hồ, Sa Pa) gắn với văn hóa dân tộc Tày.

Những mô hình này không chỉ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch mà còn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Cùng với đó, 11 mô hình du lịch cộng đồng khác đã được công nhận đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh hoặc theo tiêu chuẩn TCVN 13259:2020.

 Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030” được kỳ vọng sẽ giúp tạo sinh kế cho người dân cũng như bảo tồn, tôn vinh văn hóa truyền thống.

Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030” được kỳ vọng sẽ giúp tạo sinh kế cho người dân cũng như bảo tồn, tôn vinh văn hóa truyền thống.

Trong tương lai, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô dịch vụ homestay với 60 cơ sở mới, nâng tổng số lên 527 cơ sở, tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động. Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, ẩm thực và nông nghiệp.

Đề án này không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số mà còn mang lại cơ hội phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Lào Cai đang dần trở thành một điểm sáng trong bản đồ du lịch Việt Nam, với du lịch cộng đồng là một trong những mũi nhọn phát triển bền vững.

Xây dựng 11 mô hình du lịch cộng đồng đáp ứng điều kiện điểm du lịch cấp tỉnh hoặc TCVN 13259:2020 Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ:

- Mô hình Du lịch cộng đồng Thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa gắn với dân tộc Dao;

- Mô hình Du lịch cộng đồng Thôn Lếch Dao, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, gắn với dân tộc Dao;

- Mô hình Du lịch cộng đồng Tổ dân phố số 2, Thôn Lý Lao Chải cũ phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa;

- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Máo Chóa Sủ, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương, gắn với dân tộc Mông;

- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai gắn với dân tộc Mông;

- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Đội 3, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, gắn với dân tộc Tày;

- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, gắn với dân tộc Mông.

- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Nhìu Cù San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, gắn với dân tộc Mông;

- Mô hình Du lịch cộng đồng Thôn Đồng Qua, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, gắn với dân tộc Tày;

- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Nậm Rịa, xã Hợp Thành, TP Lào Cai, gắn với dân tộc Xá Phó;

- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Đầu Nhuần, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng gắn với cảnh quan thiên nhiên thác Đầu Nhuần.

Trọng Nhân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lao-cai-du-lich-cong-dong-se-phat-trien-nhu-the-nao-den-nam-2030-post311455.html