Lào Cai gắn biển, khởi công các công trình chào mừng 30 năm tái lập tỉnh
Chào mừng 30 năm Ngày tái lập tỉnh (1/10/1991-1/10/2021), chiều 29/9, UBND tỉnh tổ chức lễ gắn biển, thông xe kỹ thuật, hợp long, khởi công các công trình, dự án lớn và quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và nguyên lãnh đạo tỉnh gắn biển công trình đường kết nối G a Phố Mới - Bảo Hà (Lào Cai) và huyện Văn Yên (Yên Bái).
Các công trình, dự án gắn biển, thông xe kỹ thuật, khởi công gồm: Gắn biển công trình đường kết nối Ga Phố Mới - Bảo Hà (Lào Cai) và huyện Văn Yên (Yên Bái); thông xe kỹ thuật nút giao Phố Lu với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hợp long cầu Móng Sến thuộc Dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị xã Sa Pa; khởi công xây dựng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh và giới thiệu quy hoạch chung dọc sông Hồng, quy hoạch Phố Lu; thăm Nhà máy Luyện đồng Lào Cai 2 thuộc Dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai.
Tham dự có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Bùi Quang Vinh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Vạn, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Quý Đăng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Doãn Văn Hưởng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đại diện doanh nghiệp, nhà thầu, đơn vị thi công xây dựng các công trình, dự án.
*Gắn biển công trình đường kết nối Ga Phố Mới - Bảo Hà (Lào Cai) và huyện Văn Yên (Yên Bái)
Dự án Đường kết nối Ga Phố Mới - Ga Bảo Hà (Lào Cai) - huyện Văn Yên (Yên Bái) có tổng vốn đầu tư trên 800 tỷ được khởi công vào tháng 12/2018, với quy mô đường cấp V miền núi, có chiều dài 64,8 km, kết nối dọc giữa thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, huyện Bảo Yên và huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái); kết nối ngang với các huyện theo cánh Đông-Tây của tỉnh thông qua các cầu vượt sông Hồng. Toàn tuyến có 23 cầu, xây dựng mới 20 cầu, tận dụng 3 cầu (trong đó 1 cầu lớn, 11 cầu trung, còn lại là cầu nhỏ), bề rộng cầu 7,5 m, riêng cầu Bảo Hà rộng 15,5 m, cầu Làng Giàng rộng 10,5 m. Dự án hoàn thành tạo điều kiện cho khoảng 50 nghìn hộ dân với trên 20 vạn người được hưởng lợi trực tiếp trong giao thương và tiếp cận dịch vụ xã hội, thị trường. Như vậy, cùng với tuyến đường thủy sông Hồng, đường sắt, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cảng Hàng không Sa Pa được đầu tư xây dựng, thì dự án đường kết nối khánh thành đã giúp Lào Cai giải được bài toán kết nội hạ tầng giao thông theo trục dọc - trục kinh tế động lực dọc sông Hồng với giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không để tạo đà phát triển.
Trong triển khai thực hiện dự án gặp không ít vướng mắc như thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Các thủ tục phức tạp kéo dài dẫn đến chậm cấp phép ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến nhiều hộ dân, địa phương và phương án tổ chức thi công rất khó khăn do là đoạn mở mới, không có đường tạm để vận chuyển vật liệu, khối lượng đào đắp rất lớn… Tuy nhiên, với sự chủ động, tích cực của chủ đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư, chính quyền các địa phương và nỗ lực của các nhà thầu, từng nút thắt đã được tháo gỡ, nên tiến độ, chất lượng đảm bảo tốt yêu cầu đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường phát biểu tại lễ gắn biển công trình.
Phát biểu tại Lễ gắn biển công trình, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh: Cùng với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai bên hữu ngạn sông Hồng, tuyến đường kết nối trở thành trục dọc quan trọng của hệ thống giao thông khu vực tả ngạn sông Hồng. Tuyến đường sẽ đồng bộ kết nối Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai với một số ga đường sắt thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai, tỉnh Yên Bái đến các tuyến Quốc lộ 4E, 279 và kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai, vùng lân cận thuộc tỉnh Yên Bái; góp phần hoàn thiện trục hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị chủ đạo, phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Đ ường kết nối G a Phố Mới - Bảo Hà (Lào Cai) và huyện Văn Yên (Yên Bái) .
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thành công thực hiện công trình thể hiện sự đồng thuận, đồng lòng của Nhân dân nơi có tuyến đường đi qua vì mục tiêu chung phát triển tỉnh Lào Cai. Đồng chí đánh giá cao sự cố gắng của chủ đầu tư, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan và các đơn vị thi công đã khắc phục khó khăn, hoàn thành công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn lao động. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành của tỉnh và chính quyền các địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch quản lý, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng đảm bảo công trình được đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững.
*Thông xe kỹ thuật nút giao Phố Lu với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Cùng ngày, UBND tỉnh đã tổ chức thông xe kỹ thuật nút giao Phố Lu với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Đây là nút giao thứ 5 của tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa bàn tỉnh Lào Cai. Dự án được giao cho Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, với tổng vốn 150 tỷ đồng, sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước. Quy mô dự ánlà xây dựng công trình kết nối Tỉnh lộ 152 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Caigồm 6 nhánh tách nhập, kết nối giữa Tỉnh lộ 152 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; mở rộng gần 1 km mặt đường cao tốc, đoạn qua nút giao từ 2 làn xe lên 4 làn xe; cải tạo, mở rộng Tỉnh lộ 152 phục vụ cho xe ra vào cao tốc; xây mới hệ thống nhà điều hành, trạm thu phí, thiết bị chiếu sáng và các công trình phụ trợ khác…Dự án kỳ vọng sẽ góp phần tạo hạ tầng kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với các huyện: Bảo Thắng, Si Ma Cai, Bắc Hà (Lào Cai) và các địa phương lân cận của tỉnh Hà Giang; giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ Khu công nghiệp Tằng Loỏng ra cao tốc, nâng cao năng lực khai thác đường cao tốc, giảm nguy cơ gây mất an toàn giao thông, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và trong khu vực phát triển.
Đại diện Sở Giao thông vận tải - Xây dựng cho biết: Xác định vai trò và tầm quan trọng của dự án, ngay sau khi khởi công, tỉnh đã tập trung nguồn lực và chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà thầu thi công. Do vậy, được khởi công vào cuối tháng 12/2020, sau hơn 9 tháng thi công, đến nay, khối lượng thực hiện nền, móng mặt đường đạt khoảng 90% và khối lượng toàn gói thầu đạt 65%. Nhà thầu đang phấn đấu hoàn thành gói thầu trước 30/12/2021, vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch ban đầu.
*Định hướng Quy hoạch chung dọc sông Hồng
Cũng tại đây, các đại biểu đã được đại diện Sở Giao thông vận tải - Xây dựng giới thiệu về định hướng Quy hoạch chung dọc sông Hồng và Cảng Hàng không Sa Pa.
Các đại biểu nghe giới thiệuvề mục tiêu và chủ trương quy hoạch chung dọc sông Hồng với phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó,việc thực hiện Quy hoạch chung dọc sông Hồng hướng đến mục tiêu đó là sẽ hình thành lên các kết nối dọc sông Hồng là điểm đột phá giúp cải thiện, nâng tầm cảnh quan không gian, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các vùng dân cư, hình thành các vùng chức năng kinh tế phụ trợ cho các trung tâm đô thị của tỉnh Lào Cai dọc sông Hồng. Rút ngắn khoảng cách giữa các vùng dân cư, giữa đô thị và nông thôn. Ngoài kết cấu về đô thị, giao thông để tạo sự cân bằng, đồng bộ, thì còn liên quan đến phát triển giao thông đô thị và phát triển giao lưu văn hóa hai bên bờ tả và bờ hữu sông Hồng. Cùng với đó, nâng cấp khu vực dân cư hiện hữu, ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa nguy cơ thiên tai về môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, môi trường cảnh quan xây dựng tuyến cảnh quan dọc hai bên sông Hồng đồng bộ; tạo dựng và tăng cường nguồn lực phát triển đô thị. Đặc biệt, thu hút được vốn đầu tư xây dựng các dự án dân cư, khu chức năng và hạ tầng kết nối tạo sức bật mạnh mẽ cho phát triển dân cư, đô thị, khơi dậy tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven sông Hồng.
Còn đối với Dự án Cảng Hàng không Sa Pa có tổng mức đầu tư gần 6.949 tỷ đồng (tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 4.183 tỷ đồng, đầu tư giai đoạn 2 hơn 2.765 tỷ đồng) và diện tích sử dụng đất của dự án 371 ha (giai đoạn 1 là 295,2 ha, giai đoạn 2 là 75,8 ha).
Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn là Cảng Hàng không cấp 4C (theo phân cấp của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp II đạt công suất 1,5 triệu hành khách/năm.
Giai đoạn 2, hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 3 triệu hành khách/năm đảm bảo phù hợp với quy hoạch.
*Thăm Nhà máy Luyện đồng Lào Cai 2
Nhà máy Luyện đồngLào Cai 2 thuộc Dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai được xây dựng tại xã Bản Qua (Bát Xát)có tổng vốn đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng, được khởi động vào tháng 4/2015 và đến nay đã đi vào hoạt động. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Lào Cai và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, có ý nghĩa chiến lược quan trọng nhằm tiếp tục hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về chế biến sâu các loại khoáng sản. Dự án sẽ góp phần gia tăng chuỗi giá trị khoáng sản, khai thác một cách hiệu quả, triệt để, thỏa đáng nguồn quặng đồng hiện có, tăng sản lượng đồng tấm sản xuất tại Lào Cai từ 10.000 tấn/năm lên 30.000 tấn/năm, giảm lượng đồng thiếu hụt hiện nay đang phải nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ, chủ động trong sản xuất công nghiệp…
Theo đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Khoáng sản và chuyên gia của đơn vị tổng thầu, dây chuyền luyện đồng đã chạy ổn định và đã cho ra các sản phẩm đầu tiên đạt chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu của thị trường. Theo thiết kế, dây chuyền thứ hai của Nhà máy Luyện đồng Lào Cai hướng đến cho ra sản phẩm đồng Cathode đạt chất lượng 99,99%.
Các đại biểu thăm Nhà máy Luyện đồngLào Cai 2.
Dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh và đóng góp thêm hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách địa phương mỗi năm; đồng thời, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và các dịch vụ khác cho địa phương.
*Khởi công xây dựng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh
Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai được xây dựng tại phường Bình Minh (thành phố Lào Cai) trên diện tích gần 10 ha, với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục ngân sách Nhà nước. Công trình đầu tư được chia làm 2 giai đoạn do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Đức Tuấn đảm nhiệm thi công, giai đoạn 1 san gạt mặt bằng và xây dựng các hạng mục phụ trợvới tổng mức đầu tư 121 tỷ đồng, giai đoạn 2 xây dựng các khối nhà và các hạng mục phụ trợvới tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
Các đại biểu tham gia khởi công Dự án Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh.
Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh được thiết kế đẹp, hiện đại đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất của trường chuẩn quốc gia và cơ sở giáo dục chất lượng cao; phù hợp với xu thế hội nhập trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 và định hướng của tỉnh “Đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện - nguồn nhân lực - khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc khởi công xây dựng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, tiếp nối sự quan tâm của các thế hệ lãnh đạo của tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội,...
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường yêu cầu, chủ đầu tư tập trung chỉ đạo nhà thầu thi công xây dựng dự án đảm bảo chất lượng, kỹ mỹ thuật, hoàn thành theo đúng tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng nhằm tiếp thêm nguồn động lực để phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đưa trường trở thành cơ sở giáo dục chất lượng cao, uy tín không chỉ trong tỉnh mà còn vươn tầm quốc gia.