Lào Cai: Giải bài toán cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn
Lào Cai có tới 38/62 xã đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới nhưng đến nay không đảm bảo tiêu chí nước sạch theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; địa phương chỉ có 26% công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung hoạt động tương đối bền vững và bền vững...
Đây là những thách thức cho lời giải bài toán cấp nước sinh hoạt nông thôn đối với đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai trong thời gian tới.
Nỗ lực cấp nước sinh hoạt về nông thôn
Những năm qua, thông qua nhiều chương trình dự án, Lào Cai đã dành kinh phí xây dựng 1.101 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Ngoài ra, địa phương còn thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ gia đình vay vốn để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước nhỏ, lẻ quy mô hộ gia đình.
Xã Dương Quỳ cách Trung tâm huyện Văn Bàn khoảng 20 km. Trước đây, người dân ở thôn Nậm Hốc và trung tâm xã phải đi lấy nước ở suối, ở khe để sử dụng trong sinh hoạt. Thế nhưng cách đây gần chục năm, nhà nước đã đầu tư công trình nước sinh hoạt cho bà con sử dụng. Từ khi công trình được đưa vào hoạt động tới nay, nước đã được dẫn tới từng thôn bản, từng hộ. Có nước đảm bảo hợp vệ sinh, bà con không phải lo đi lấy nước hàng ngày.
Ông Hoàng Văn Minh, thôn Nậm Hốc cho biết, trước đây, phải đi lấy nước tận đầu nguồn vất vả lắm. Từ ngày được nhà nước đầu tư công trình nước sinh hoạt tới giờ, bà con được dùng nước thoải mái tại nhà. "Yên tâm là khi sử dụng nước này, người dân không còn lo trẻ con bị tiêu chảy, giun sán, đau mắt nữa...", ông Minh chia sẻ.
Bằng các chính sách quan tâm đầu tư của đối với vấn đề cấp nước hợp vệ sinh về nông thôn, đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh tại Lào Cai đạt 96%; trong đó, tỷ lệ số hộ sử dụng từ công trình cấp nước tập trung chiếm 38,6% và tỷ lệ số hộ sử dụng từ công trình cấp nước nhỏ lẻ chiếm 57,4%. Tuy vậy, Lào Cai vẫn đang phải đối mặt với những tồn tại, thách thức trong cấp nước sinh hoạt nông thôn, đòi hỏi cần được tập trung giải quyết, tháo gỡ trong thời gian tới.
Công trình cấp nước kém bền vững chiếm 55%
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai Đỗ Văn Duy cho biết, hiện toàn tỉnh có 834 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn đang được theo dõi; trong đó, có 460 công trình được đánh giá là “hoạt động kém bền vững” (chiếm 55%) hiện vẫn đang hoạt động bình thường đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 17.283 hộ dân nông thôn.
Tuy nhiên, các công trình này không đảm bảo đạt các tiêu chí trong Bộ chỉ số như: có tổ quản lý vận hành nhưng trách nhiệm chưa cao nên không thu được tiền sử dụng nước; chất lượng nước chưa đạt quy chuẩn QCVN; tỷ lệ số hộ dân được cấp nước <60% số hộ thiết kế; khả năng cấp nước của công trình không được thường xuyên liên tục.
Ngoài ra, Lào Cai còn 159 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn không hoạt động. Theo ông Đỗ Văn Duy, cơ bản đây là các công trình có thời gian sử dụng từ 10-20 năm, đã hết thời gian khấu hao công trình, hoặc hư hỏng do nguyên nhân khách quan, thiên tai mưa lũ, sạt lở, không còn khả năng sửa chữa, khôi phục nhưng chưa được các địa phương thực hiện thanh lý.
Bên cạnh đó, Lào Cai có trên 82.000 hộ dân nông thôn đang sử dụng nguồn nước từ những công trình nhỏ lẻ do người dân tự đầu tư, tự tìm kiếm; trong đó, 5.343 hộ dân (tương ứng với 22.440 nhân khẩu) hiện đang sử dụng nguồn nước được đánh giá là không hợp vệ sinh, chiếm 4% tổng số hộ dân nông thôn toàn tỉnh.
Các con số trên đã tác động không nhỏ đến tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025. Bởi theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, điều kiện đạt tiêu chí đối với xã hoàn thành nông thôn mới là: “Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ≥30%, trong đó ≥10% từ hệ thống cấp nước tập trung”. Đối với xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao, quy định nêu rõ: “Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung ≥25-35% (xã thuộc khu vực III ≥25%, xã không thuộc khu vực III ≥35%)”.
Như vậy, chiếu theo Bộ tiêu chí trên, địa phương hiện có tới 38/62 xã được công nhận hoàn thành nông thôn mới nhưng đến nay không đảm bảo chỉ tiêu 17.1 (Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn) và có 01/04 xã được công nhân hoàn thành nông thôn mới nâng cao nhưng đến nay không đạt chỉ tiêu 18.3 (Tỷ lệ công trình cấp nước tập trung có tổ chức quản lý, khai thác hoạt động bền vững).
Ưu tiên đầu tư khu vực khó khăn về nguồn nước
Theo khuyến cáo của ngành y tế, việc sử dụng nước không hợp vệ sinh là một trong các nguyên nhân gây nên các bệnh về đường tiêu hóa, các bệnh về mắt, bệnh ngoài da, giun sán và suy dinh dưỡng ở trẻ em… ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm chất lượng cuộc sống của người dân.
Với 4% tỷ lệ số hộ dân nông thôn hiện đang sử dụng nguồn nước được đánh giá là không hợp vệ sinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết, tỉnh sẽ thực hiện phối hợp với chính quyền địa phương hằng năm tổ chức rà soát, vận động người dân tham gia trong các chương trình sắp xếp dân cư, đảm bảo tối ưu số hộ dân được tiếp cận với nguồn nước sạch và hợp vệ sinh; đồng thời, vận động nhân dân di chuyển khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi ra xa nguồn nước sinh hoạt, tăng cường áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi.
Ngoài ra, năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai đã và đang thực hiện mô hình thí điểm về xử lý và trữ nước nhỏ lẻ tại hộ gia đình khu vực nông thôn góp phần đảm bảo môi trường sống an toàn, bền vững, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn tại các xã: Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà và Hòa Mạc, huyện Văn Bàn. Kết quả triển khai thực hiện làm cơ sở để nhân rộng trong các năm tiếp theo.
Đặc biệt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết, ngành tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện rà soát, đánh giá tình hình nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước của người dân, tổng hợp đề nghị UBND tỉnh xem xét đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ưu tiên đối với các khu vực khó khăn về nguồn nước, đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, để nâng cấp, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo chấn chỉnh, yêu cầu thực hiện công tác đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn dựa trên nguyên tắc: phải có ít nhất 90% số hộ đăng ký nhu cầu sử dụng nước tại công trình và cam kết tham gia đóng góp xây dựng công trình, cam kết quản lý, cam kết chi trả tiền sử dụng nước theo quy định.
Đối với công tác quản lý, vận hành công trình sau đầu tư, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh Lào Cai giao thí điểm công trình cho đơn vị sự nghiệp và giao khoán cho doanh nghiệp quản lý, vận hành. Đến thời điểm hiện tại đã giao 32 công trình cho đơn vị sự nghiệp quản lý và 27 công trình hợp đồng giao khoán vận hành cho doanh nghiệp. Hiện, các công trình này đều được đánh giá hoạt động hiệu quả cần nhân rộng trong thời gian tới.