Lào Cai thuộc vùng cao biên giới phía Bắc, nơi địa đầu của đất nước đồng thời là khu du lịch trong tâm nổi tiếng với những thắng cảnh mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc. Đây cũng là điểm đến có nhiều di tích lịch sử, hang động và đặc sản cùng nền văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc. Ba tháng cuối năm (12, 1, 2) mùa đông lạnh nhất trong năm, nhiệt độ thường dưới 10 độ C. Nếu cả miền Bắc vào đợt rét đậm, thì Sapa thường duy trì ở mức nhiệt độ 2 – 5 độ C, đôi khi nhiệt độ dơi xuống dưới 0 độ C. Cứ khoảng vài năm lại có 1 – 2 đợt tuyết rơi vào các tháng này.
Và Y Tý – địa điểm "săn mây" ở Lào Cai luôn thu hút nhà nhiếp ảnh cũng như khách du lịch. Tọa lạc ở độ cao trên 2000m so với mực nước biển, Y Tý là một xã vùng cao của xã 135, huyện Bát Xát. Y Tý Bát Xát có khí hậu mát mẻ quanh năm, nhưng lại đặc biệt khắc nghiệt vào mùa đông. Nhiệt độ nơi đây có khi xuống dưới 0 độ C, không gian hùng tráng như đang được đứng trên "chín tầng mây".
Ngải Thầu là một xã vùng cao giáp biên của huyện Bát Xát, Lào Cai… Phía Đông Ngải Thầu giáp xã Trịnh Tường, phía Tây giáp đất Trung Quốc, phía Nam giáp xã Y Tý và phía Bắc giáp ba xã A Lù, A Mù Sung và Nậm Chạc. Ngải Thầu gồm 6 thôn bản: Phìn Chải 1, Phìn Chải 2, Cán Cấu, Ngải Thầu Hạ, Ngải Thầu Thượng, Chin Chu Lìn với cư dân đa số là đồng bào H’Mông.
Thôn Ngải Thầu Thượng là một trong những thôn cao nhất Việt Nam, để chống lại giá rét và thú dữ, từ lâu người Mông ở đây đã có truyền thống làm nhà tường đất dày gần 1m, cả cửa chính và cửa sổ đều nhỏ, để tránh sương gió lùa vào.
Những biển mây trắng bồng bềnh trong nắng sớm trên cung đường lên Ngải Thầu, tuy nhiên, những khung cảnh biển mây nơi đây mỗi lúc, mỗi ngày lại khác nhau khiến cho những ai chưa đến thì thèm muốn mà đến rồi thì càng phải ước ao quay lại lần nữa, để có thể lưu lại những bức hình ấn tượng.
Với độ cao 2.000 m so với mực nước biển, đây là nơi có thể dễ dàng cho du khách cơ hội ngắm những biển mây mà không tốn quá nhiều sức như leo núi.
Ngã ba Lũng Pô là nơi sông Nguyên Giang của Trung Quốc gặp con sông Lũng Pô trên đất nước Việt Nam. Đây là nơi có mốc 92, gồm 3 mốc đó là 92(1), 92(2), 92(3) đánh dấu tuyến biên giới giữa 2 nước Trung Quốc và Việt Nam.
Đường biên giới Việt - Trung. ven suối Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Mùa đông, trên hành trình đến huyện vùng cao Si Ma Cai, ngoài những chợ đã "nổi tiếng" như chợ Cán Cấu, Sín Chéng... Chợ tại thị trấn Si Ma Cai là một trong những chợ còn hoang sợ nhất tại đây.
Si Ma Cai vốn là một địa danh mơ ước của dân "phượt" miền Bắc. Đây là huyện vùng cao thuộc tỉnh Lào Cai, nằm giáp với Trung Quốc, cách Hà Nội hơn 400 km với một cuộc sống đặc trưng của người Mông.
Chợ Bắc Hà là một chợ phiên tại thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai 65 km, khoảng 2 tiếng rưỡi đi bằng xe buýt. Chợ nổi tiếng vì còn giữ được vẻ nguyên sơ và mang đậm nét đặc trưng của các dân tộc vùng cao Việt Nam. Ở đây có từng khu chợ riêng rẽ với nhiều mặt hàng khác nhau như Chợ ẩm thực, chợ thổ cẩm, chợ thực phẩm, chợ chim, chợ ngựa, chợ gia cầm, chợ rèn đúc…
Một em bé trong trang phục H'Mông
Cuối cùng, trong hành trình du lịch bên cạnh những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, không thể không nhắc đến Dinh Hoàng A Tưởng (hay còn gọi là Dinh Vua Mèo) ở huyện Bắc Hà. Với lối kiến trúc độc đáo cùng với lịch sử lâu đời, từ lâu nơi đây đã trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn.
Dinh Hoàng A Tưởng - niềm tự hào của người Bắc Hà, trải qua hơn 100 năm tồn tại, dinh thự vẫn toát ra dáng vẻ kiêu hãnh và sừng sững, thu hút mọi ánh nhìn của du khách thập phương. Điều làm nên sức hấp dẫn của dinh Hoàng A Tưởng chính là lối kiến trúc Á – Âu kết hợp độc đáo, được xây dựng do các kiến trúc sư người Châu Âu và châu Á thiết kế.
Thành Luân