Lào Cai muốn phát triển cá bỗng Lương Sơn thành sản phẩm OCOP
Cá bỗng Lương Sơn là những đặc sản nổi tiếng của vùng đất này. Đây cũng là lợi thế để huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai xây dựng thành sản phẩm OCOP nâng cao giá trị sản phẩm và thu hút khách du lịch.
Nói đến món ngon đặc sản ở huyện Bảo Yên, nhiều người sẽ nhớ đến ngay vịt Nghĩa Đô, cá bỗng Lương Sơn là những đặc sản nổi tiếng của vùng đất này. Đây cũng là lợi thế để huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai xây dựng thành sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm và thu hút khách du lịch.
Từ xa xưa, cá bỗng vốn là loài bản địa sống trên sông Chảy. Cá bỗng còn được coi là một loài cá vua. Từ vài chục năm nay người dân ở khu vực Bảo Yên đã đem giống cá này từ sông Chảy về nhà nuôi. Theo người dân địa phương, có những con cá bỗng được sống trong môi trường sạch có thể sống tới 50 năm và nặng ngót ngét 20kg.
Ông Hoàng Văn Trọng, Trưởng thôn Pịt, xã Lương Sơn cho biết, trong thôn có vài hộ nuôi phát triển tốt, giá bán thị trường cao, hiệu quả kinh tế. So với các loại cá khác chậm lớn hơn nhưng hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi cá bỗng chỉ cần cho ăn lá sắn cỏ gianh, lá cây…
Xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên là địa phương đang triển khai thí điểm mô hình nuôi cá bỗng, thực hiện nhân giống tại chỗ để phát triển giống cá này. Chương trình do trung tâm giống thủy sản tỉnh phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Bảo Yên. Những hộ gia đình nuôi cá bỗng không chỉ được hỗ trợ con giống, mà còn được cán bộ trung tâm giống thủy sản về hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật.
Ông Hoàng Văn Đạt và ông Hoàng Văn Chí, ở thôn Pịt, xã Lương Sơn, những hộ gia đình đang tham gia nuôi cá bỗng chia sẻ, quy trình nuôi cá bỗng rất đơn giản, chủ yếu cho ăn lá cây, lá sắn. Khi bán ra thị trường, nếu cá trắm có giá 100.000 đồng/kg, nhưng cá bỗng bán theo trọng lượng, cá 2 kg có giá 200.000 đồng/kg; cá 3 kg có giá 300.000 đồng/kg.
“Phòng Nông nghiệp hướng bà con đầu tư mô hình nuôi cá bỗng, các anh trong xã cũng vào xem ao, kiểm tra nước động viên bà con nuôi cá theo quy trình. Khi bà con đăng ký tham gia dự án sẽ được đầu tư về giống”, anh Đạt cho biết.
Đặc tính của cá bỗng là chỉ sinh trưởng được trong môi trường nước trong, nhiều oxy, đáy ao hồ không có bùn, do đó người nuôi phải dẫn nước sạch từ khe suối chảy vào ao và bơm nước từ cao chảy xuống tuần hoàn tạo nguồn oxy cho cá. Nuôi cá bỗng được xem là cách làm kinh tế phù hợp với nhiều nông dân, bởi thức ăn của loại cá này chủ yếu là lá sắn và các loại cỏ, phế phẩm trong nông nghiệp.
Theo ông Hoàng Quốc Cẩn, cán bộ địa chính xây dựng và nông nghiệp, hiện trong xã Lương Sơn đang có trên 20ha nuôi trồng thủy sản, riêng diện tích nuôi cá bỗng được gần 1ha. “Tới đây Phòng Nông nghiệp sẽ áp dụng khảo nghiệm quá trình nuôi cá bỗng hiệu quả, áp dụng theo quy trình kỹ thuật để so sánh với nuôi tự nhiên của người dân để so sành hiệu quả, từ đó hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP”, ông Cẩn thông tin.
Xác định được lợi thế sẵn có về nguồn nước tự nhiên, trong vài năm trở lại đây, xã Lương Sơn đã thí điểm và hướng dẫn bà con nông dân thả và nuôi cá bỗng để trở thành sản phẩm hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao. Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, cho biết, 2 năm qua, xã đã xin ý kiến của huyện và mời các cơ quan chức năng vào mạnh dạn làm 1 dự án. “Hiện dự án đang triển khai, một thời gian nữa mới đánh giá được. Khi nuôi cá bỗng theo quy trình nếu thấy cá phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu thị trường lúc đó xã mới nhân rộng đại trà”, ông Hùng nói.
Hiện nay, nhiều gia đình ở huyện Bảo Yên đã mạnh dạn chuyển đổi ruộng nước kém hiệu quả sang đào ao, thả cá đặc sản. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong phát triển nghề nuôi cá bỗng là khó khăn trong sản xuất con giống, kỹ thuật nuôi, chăm sóc cũng chưa có tài liệu cụ thể.
Theo thống kê, toàn huyện Bảo Yên có khoảng 300 hộ nuôi cá bỗng, tập trung nhiều nhất là tại xã Lương Sơn có 100 hộ nuôi, cung cấp khoảng 10 tấn cá/năm. Nhận thấy đây là giống cá dễ nuôi, ít bệnh và đem lại giá trị kinh tế cao, Trung tâm giống thủy sản Lào Cai đã bắt đầu đưa cá bỗng vào cơ cấu giống cá của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết, huyện đã xác định chủ trương từ nhiệm kỳ trước, muốn đưa cá bỗng trở thành sản phẩm hàng hóa. “Tuy nhiên, cá bỗng rất kén về môi trường nước nuôi, nên để trở thành hàng hóa, huyện cũng định hướng triển khai ở các xã Lương Sơn, xã Phúc Khánh, những hộ nào gần nguồn nước sạch mới có thể làm được”, ông Nhất cho hay.
Cùng với sản phẩm đặc sản vịt Nghĩa Đô đã được cấp chứng nhận OCOP, tương lai không xa sản phẩm cá bỗng ở xã Lương Sơn cũng được cấp chứng chỉ OCOP. Đây sẽ là nền tảng để huyện Bảo Yên nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời góp phần phát triển du lịch tại địa phương.