Lào Cai quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử
Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 20/3/2024 của UBND tỉnh về phát triển thương mại điện tử, kinh tế số trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024.
Kế hoạch được triển khai nhằm hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chuyển đổi số, ứng dụng thương mại trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng
Để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, tỉnh Lào Cai sẽ quan tâm triển khai các dịch vụ thuế điện tử như kê khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử nhằm rút ngắn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; hỗ trợ gia nhập thị trường và thực hiện đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử; hỗ trợ ứng dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR...), truy xuất nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp và mặt hàng chủ lực của tỉnh. Thông qua các đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng các công nghệ số cải tiến máy móc, mô hình sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa hoạt động quản lý cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, không dùng tiền mặt và trong mua sắm trực tuyến.
Thực hiện công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần của tỉnh Lào Cai, chú trọng các thủ tục về đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch. Vận động khuyến khích doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú xây dựng website quảng bá, tích hợp dịch vụ đặt phòng khách sạn, đặt tour trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tạo gian hàng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước (Postmart, Voso, Tiki, Lazada, Shopee, Sendo) và tham gia các nền tảng xuất khẩu trực tuyến, mạng xã hội...
Đối với người dân, tỉnh sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ trong việc mở mới tài khoản thanh toán điện tử (bao gồm cả dịch vụ mobile money), hướng dẫn không dùng tiền mặt và mua sắm trực tuyến. Hướng dẫn, hỗ trợ đưa 100% sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực của địa phương lên sàn. Quản lý, vận hành hiệu quả sàn thương mại điện tử của tỉnh để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hóa của tỉnh...
Tỉnh Lào Cai phấn đấu hết năm 2024, nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân sử dụng các nền tảng số, hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến, tỷ lệ sản phẩm, hàng hóa OCOP của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử. Trong đó: 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 100% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiếp cận và tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử; 100% sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử được đưa lên các sàn thương mại điện tử; 95% tỷ lệ tài khoản thanh toán điện tử của các cá nhân trên dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử (bao gồm cả dịch vụ mobile money).
Phát triển hạ tầng, ứng dụng, dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử
Việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, giải pháp an ninh mạng được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch thương mại điện tử của doanh nghiệp và cư dân trên địa bàn tỉnh. Chú trọng phát triển các dịch vụ mang tính hỗ trợ, logistics cho thương mại điện tử; khai thác và ứng dụng hiệu quả nền tảng mã địa chỉ gắn với Bản đồ số (Vpostcode) nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử và logistics. Triển khai hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho các cơ sở và các dòng sản phẩm nông sản an toàn; ứng dụng Qrcode trong truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản; hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp.
Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số; chú trọng phát triển các dịch vụ mang tính hỗ trợ, logistics cho thương mại điện tử/thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử. Ứng dụng nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử phục vụ việc định danh và xác thực người sử dụng trong các hoạt động thương mại điện tử và giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thanh toán hóa đơn dịch vụ (điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn tỉnh, dịch vụ công trực tuyến...); thu học phí, viện phí... tại các trường học, bệnh viện; sử dụng hóa đơn điện tử.