Lào Cai quan tâm thực hiện chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng chí TRỊNH XUÂN TRƯỜNG
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, với dân số trên 781,1 nghìn người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 66,2% (dân tộc Mông 26%, Tày 15%, Dao 14%, Giáy 4,3%, Nùng 4,3%...). Toàn tỉnh hiện có 140 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (66 xã khu vực III, 4 xã khu vực II và 68 xã khu vực I) với 1.199 thôn, tổ dân phố (603 thôn đặc biệt khó khăn).

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Lào Cai đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, kết hợp với tích cực tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung vào đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế; hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững… Nhờ đó, kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân các dân tộc tộc thiểu số vùng cao trong tỉnh có bước phát triển tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, đảm bảo mọi điều kiện giúp người dân yên tâm xây dựng cuộc sống mới.

Từ năm 2019 đến nay, Trung ương và tỉnh Lào Cai đã dành hơn 18.400 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng với việc triển khai thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025; chính sách hỗ trợ học sinh các xã khu vực I, khu vực II...

Đặc biệt, ngày 26/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, UBND tỉnh và chính quyền các địa phương đã chỉ đạo công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn thâm canh tăng vụ; cung cấp, hỗ trợ giống mới có năng suất cao để người dân các xã vùng cao chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ sang phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa... Đến nay, trên địa bàn các địa phương vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt giá trị kinh tế cao, như cánh đồng một giống lúa tại huyện Văn Bàn, vùng lúa Séng Cù chất lượng cao tại huyện Mường Khương, huyện Bát Xát; vùng ngô hàng hóa ở các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà; vùng dứa, chuối ở huyện Mường Khương... Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 196 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác tăng từ 80 triệu đồng năm 2019 lên 97 triệu đồng năm 2023. Kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển đa dạng về số lượng, chất lượng.

Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư 7.300 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, sinh kế, đào tạo chuyển đổi nghề, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục...

Song song với thực hiện chính sách đầu tư, hỗ trợ nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh cũng tăng cường rà soát sắp xếp dân cư tập trung, dân cư xen ghép gắn với phòng, chống thiên tai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh sắp xếp được 918 hộ, trong đó sắp xếp dân cư tập trung 104 hộ, sắp xếp dân cư xen ghép 603 hộ, các điểm sắp xếp dân cư được đầu tư đồng bộ về hạ tầng điện, nước sinh hoạt, giao thông...

Đối với công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, giai đoạn 2019 - 2023 tỉnh đã hoàn thành 4.552 nhà (xây mới 3.448 nhà; cải tạo, sửa chữa 1.104 nhà), đây là chương trình có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh việc tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo thì công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số và công tác đào tạo, quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cũng được tỉnh quan tâm phát triển cả về chất lượng và số lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Hiện tại, cán bộ, công chức, viên chức người DTTS cấp tỉnh, cấp huyện là 8.064 người (chiếm 33,6%); cán bộ, công chức người DTTS cấp xã là 1.966 người (chiếm 63,46%).

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, nỗ lực của Nhân dân, các chính sách dân tộc đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh.

Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững, thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS; xây dựng hệ thống chính trị và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Báo Lào Cai

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/lao-cai-quan-tam-thuc-hien-chinh-sach-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post388923.html