Lào Cai tiếp nhận thêm 1.300 liều vắc xin phòng COVID-19 đợt 2
Lào Cai vừa tiếp nhận 1.300 liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca, phục vụ tiêm phòng đợt 2.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lào Cai thông tin, đơn vị mới tiếp nhận 1.300 liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Cụ thể, ngày 16/4, Bộ Y tế ban hành Quyết định 1896/QĐ-BYT về việc điều chỉnh phân bổ vắc xin phòng COVID-19 đợt 2, theo đó điều chỉnh việc phân bổ vắc xin phòng COVID-19 tại Điều 1 Quyết định 1821/QĐ-BYT được ban hành trước đó vào ngày 07/4/2021. Theo Quyết định 1896/QĐ-BYT của Bộ Y tế, tỉnh Lào Cai được cấp bổ sung 1.300 liều vắc xin phòng COVID-19.
Số lượng vắc xin này đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp nhận và bảo quản an toàn vào trưa ngày 19/4. Đây là lần tiếp nhận vắc xin thứ hai của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trong tháng 4 này. Trong tổng số 1.300 liều vắc xin mới tiếp nhận, số vắc xin được phân bổ để tiêm cho lực lượng bộ đội biên phòng là 1.000 liều, 300 liều còn lại phân bổ cho lực lượng công an tỉnh tổ chức tiêm.
Như vậy, tính đến nay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tiếp nhận 8.000 liều vắc xin phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất. Ngành Y tế Lào Cai cũng đã lên kế hoạch tổ chức tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ; đồng thời phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh bàn giao vắc xin và hỗ trợ tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Trước đó, Sở Y tế đã chỉ đạo rà soát đối tượng tiêm chủng, xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế thực hiện công tác tiêm chủng ở các tuyến về phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ; hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin COVID-19.
Được biết, Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vắc xin để tiêm chủng cho 75% dân số. Trong chiến dịch tiêm đợt 1, hệ thống giám sát ghi nhận gần 33% người được tiêm có phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.
Có khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cũng như các loại vắc-xin khác và thuốc đều có thể gây ra các phản ứng sau tiêm ở các mức độ khác nhau. Do vậy, Bộ Y tế, WHO, UNICEF sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên xác thực và cung cấp đầy đủ các thông tin khoa học, chính xác về hiệu quả, tính an toàn của vắc xin phòng COVID-19, sự liên quan giữa vắc xin và những phản ứng nặng sau tiêm chủng, nhất là những trường hợp xuất hiện tình trạng đông máu và huyết khối sau tiêm vắc xin; cung cấp các khuyến cáo đến người dân và cộng đồng;
Thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm người dân Việt Nam được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn, góp phần vào thành công của cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam và trên toàn thế giới.