Lào Cai: Triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký ban hành văn bản khẩn số 3049/UBND-NLN ngày 10/6/2024 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Những ngày qua, tỉnh Lào Cai diễn ra nhiều đợt mưa to kéo dài, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Do lượng mưa lớn, diễn ra liên tục, khiến mực nước sông Hồng chảy qua địa bàn thành phố Lào Cai dâng cao, nước lũ từ thượng nguồn đổ về không ngớt. Nhiều huyện, thị còn xảy ra lũ lớn như thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn, Bát Xát và huyện Bảo Thắng.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai, trong thời gian tới, mưa lớn dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài, dự báo thời gian tới các loại hình thiên tai bất lợi còn tiếp tục diễn ra với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 30-50mm, có nơi trên 60mm; nguy cơ mưa, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân, tác động không nhỏ đến sự ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký ban hành văn bản khẩn số 3049/UBND-NLN ngày 10/6/2024 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Cụ thể, các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện số 57/CĐ-TTg ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với thiên tai tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ đầu năm đến nay.

UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “Bốn tại chỗ”; và thực hiện tốt phương án ứng phó với tình huống mưa, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất...

Tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả những nơi có nguy cơ bị sạt lở đất, nhất là dọc các tuyến đường giao thông, sườn núi, đồi có ta luy dương, âm nguy cơ sạt lở lớn. Nếu còn có nhà ở, lán, trại của các hộ dân chưa di dời thì có phương án yêu cầu các hộ đó di chuyển ngay đến nơi an toàn, trường hợp không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế di dời nhằm đảm bảo tính mạng cho Nhân dân.

Kiểm tra các công trình, hồ đập, phương án, nguồn lực bảo đảm an toàn hồ đập trước tình huống xảy ra mưa, lũ lớn, nhất là các công trình trọng điểm, xung yếu bị hư hỏng. Chỉ đạo giám sát vận hành an toàn hồ đập, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn. Xử lý các công trình làm gia tăng rủi ro thiên tai; thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn hồ đập chứa nước, đảm bảo thông tin kịp thời cho người dân vùng hạ du khi xả lũ.

Đảm bảo đầy đủ vật tư, phương tiện và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Chủ động bố trí kinh phí, lực lượng, phương tiện khôi phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng do sạt lở và khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai sớm ổn định đời sống sản xuất.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát, bố trí đủ quỹ đất để sắp xếp dân cư thiên tai, nhất là sắp xếp dân cư tập trung ra ngoài khu vực lũ ống, lũ quét, sạt lở đất,...; kiểm tra xử lý cá nhân, đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản vi phạm các quy định về phòng, chống thiên tai.

Các sở, ban, ngành khác chủ động chỉ đạo triển khai phương án PCTT và TKCN theo chức năng quản lý nhà nước được giao, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hà My

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/lao-cai-trien-khai-mot-so-bien-phap-cap-bach-de-chu-dong-ung-pho-thien-tai-88995.html