Lào Cai triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Với các kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm 2023, Lào Cai tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
*Doanh nghiệp lạc quan về sản xuất kinh doanh quý II và III
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp tại Lào Cai cho thấy, nhiều doanh nghiệp tại Lào Cai đã lạc quan hơn về triển vọng sản xuất kinh doanh trong quý III này.
Cụ thể, đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong quý II/2022, có 30,77% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm 2023 tốt hơn quý trước; 30,77% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,46% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Dự kiến quý III/2023 so với quý II/2023, có 30,77% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 33,33% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và có 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Về khối lượng sản xuất, có 30,77% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất quý II năm 2023 tăng so với quý I/2023; 46,15% số do doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 23,08% số doanh nghiệp cho rằng ổn định.
Về xu hướng quý III/2023 so với quý II/2023, có 33,33% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 33,33% số doanh nghiệp dự báo giảm và có 33,33% số doanh nghiệp dự báo ổn định; về xu hướng sản xuất 6 tháng tiếp theo so với 6 tháng đầu năm, có 33,33% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 28,21% số doanh nghiệp dự báo giảm và 38,46% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Như vậy qua dự kiến sản xuất kinh doanh cho thấy hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong tỉnh tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã tập trung vào kế hoạch sản xuất trong cuối quý II/2022 và 6 tháng cuối năm, để đảm bảo cho việc tăng cả về số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhìn nhận về tồn kho sản phẩm, có 10,26% số doanh nghiệp có lượng tồn kho quý II năm 2023 tăng so với quý trước; 38,46% số doanh nghiệp có lượng tồn kho giảm và 51,28% số doanh nghiệp giữ ổn định.
Về xu hướng quý III/2023 so với quý II/2023, chỉ có 7,69% số doanh nghiệp dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng; 51,28% số doanh nghiệp cho rằng lượng hàng tồn kho giảm và 41,03% số doanh nghiệp dự báo giữ ổn định.
Như vậy, các doanh nghiệp tuy đã quyết tâm tìm đầu ra cho sản phẩm sản xuất để ổn định và duy trì quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng tình hình thực tế vẫn rất khó khăn cho kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp, các nhà máy công nghiệp trong năm 2023.
Về chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm, có 33,33% số doanh nghiệp khẳng định chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm quý II năm 2023 tăng so với quý I/2023; 10,26% số doanh nghiệp cho biết chi phí giảm và 56,41% số doanh nghiệp cho rằng chi phí tương đương quý trước.
Về xu hướng trong quý III/2023, có 25,64% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng so với quý II/2023; 5,13% số doanh nghiệp cho rằng chi phí giảm và 69,23% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất ổn định. Xu hướng này cho thấy giá nguyên, nhiên vật liệu trong kỳ đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng giá thành sản phẩm công nghiệp.
Về sử dụng lao động, quý II năm 2023 so với quý trước, có 7,69% số doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động tăng; 17,95% số doanh nghiệp khẳng định giảm và 74,36% số doanh nghiệp cho biết giữ ổn định lao động.
Dự kiến quý III/2023 so với quý II/2023, chỉ có 2,56% số doanh nghiệp dự báo quy mô lao động tăng; 92,31% số doanh nghiệp cho rằng sẽ ổn định quy mô lao động; 5,13% số doanh nghiệp dự báo giảm số lao động hiện có. Về xu hướng 6 tháng tiếp theo so với 6 tháng đầu năm với 7,69% số doanh nghiệp dự kiến quy mô lao động tăng và 82,05% số doanh nghiệp cho rằng sẽ ổn định quy mô lao động; chỉ có 10,26% số doanh nghiệp dự báo giảm số lao động hiện có.
Chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh trong quý II/2023, 64,1% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 46,15% doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng trong nước; 35,9% doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 25,64% doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 17,95% doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên vật liệu để sản xuất; còn các nguyên nhân khác thấp chiếm tỷ lệ không quá 15%.
*Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ
Ngày 12/6 vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; trong đó rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai; rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện; đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tỉnh sẽ thường xuyên rà soát, xử lý chồng chéo, không để tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Lào Cai tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tăng cường đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.
Nhằm khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước, việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Đề án phát triển dịch vụ Logistics đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 sẽ được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng của các hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Việc nghiên cứu thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các loại hàng hóa có gì trị cao qua cửa khẩu Lào Cai; tăng cường nắm bắt thông tin về cơ chế, chính sách trong hoạt động xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc; cập nhật tình hình cửa khẩu, nhu cầu thị trường, hàng hóa; tích cực đẩy nhanh tiến độ thiết lập các cặp chợ biên giới sẽ được đẩy mạnh.
Lào Cai cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Giải pháp tăng cường dự báo thị trường lao động, kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp và người lao động, đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được đẩy mạnh.
Ngoài ra, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được thực hiện nhằm giúp doanh nghiệp trong quá trình quản lý và xét duyệt hồ sơ trên hệ thống trực tuyến, tạo thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp hưởng thụ chính sách hỗ trợ.
Theo Cục Thống kê Lào Cai, trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 344 doanh nghiệp và 31 đơn vị trực thuộc, tăng 21,1% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt 3.180 tỷ đồng. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 387 doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ; giải thể 44 doanh nghiệp, tăng 18,9%; hoạt động trở lại 205 doanh nghiệp, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lao-cai-trien-khai-nhieu-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep/298835.html