Lào Cai trong trái tim Bác Hồ
Ngay từ khi mới manh nha, phong trào cách mạng của Lào Cai đứng trước muôn vàn khó khăn, nhưng đã luôn được Bác Hồ quan tâm, động viên kịp thời. Cả thảy, Người đã viết 6 bức thư gửi thiếu nhi, cán bộ, đảng viên, công nhân, chiến sỹ lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc Lào Cai; viết một bài báo động viên kịp thời thắng lợi của xã Bản Phố trong xóa nạn mù chữ. Đặc biệt, Người đã dành 2 ngày lên thăm vùng mỏ và nói chuyện với đồng bào Lào Cai, ngày 23 - 24/9/1958.
Mỗi bức thư, bài báo và những tình cảm thiêng liêng Bác dành cho đã tiếp thêm động lực để quân và dân Lào Cai đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến lên xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Sự thực, Lào Cai đã từ một trong những tỉnh nghèo nhất nước trở thành tỉnh phát triển của vùng Trung du, miền núi phía Bắc; là trung tâm kết nối trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).
Lời động viên ân cần
Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Lào Cai vẫn chưa giành được chính quyền cấp tỉnh. Niềm vui độc lập cùng cả nước chưa trọn, nhân dân Lào Cai tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, tránh đụng độ với quân Tưởng và nhanh chóng củng cố chính quyền cách mạng để chuẩn bị kháng chiến.
Hay tin người dân Lào Cai ủng hộ Chính phủ lâm thời, trong cuộc họp của Hội đồng Chính phủ ngày 13/10/1945, Hội đồng đã đề nghị Bác Hồ viết thư gửi đồng bào Lào Cai. Bức thư do đoàn cán bộ được Xứ ủy Bắc Kỳ và Kỳ Bộ Việt Minh Bắc Kỳ cử lên công tác mang theo. Đoàn công tác có nhiệm vụ tranh thủ lúc Tưởng chưa lập chính quyền tay sai, xúc tiến nhanh việc tổ chức chính quyền và các đoàn thể quần chúng gây dựng cơ sở cách mạng.
Trong bức thư “Gửi đồng bào tỉnh Lào Cai” đề ngày 18/10/1945, sau khi chia sẻ về những thiệt thòi của đồng bào Lào Cai do chưa được hưởng niềm vui độc lập, Bác thông báo về thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến, thành lập ra một chính thể dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Bác dặn: “Từ đây, đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến kỳ cùng để mưu tự do hạnh phúc cho dân tộc. Tôi tin rằng đồng bào Lào Cai sẽ nhiệt liệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ. Tất cả Nhân dân Lào Cai, không phân biệt trai gái, già trẻ, giàu nghèo, lương giáo, không phân biệt Mán, Mường, Mèo…, cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu để củng cố nền độc lập của nước nhà và xây dựng nền hạnh phúc tự do cho dân chúng”…
Lời Bác trở thành sức mạnh, hiệu triệu vạn trái tim người dân Lào Cai với khát vọng tự do, độc lập đã đoàn kết, dốc lòng, nhất tề đứng lên chiến đấu giải phóng quê hương.
Ngày 5/3/1947, Đảng bộ tỉnh Lào Cai ra đời, ngày 10/10/1948, chi bộ đảng nông thôn đầu tiên được thành lập tại Cam Đường đã lãnh đạo quân, dân Lào Cai kháng chiến toàn diện.
Từ tiếng trống khởi nghĩa Cam Đường, khu căn cứ cách mạng Soi Cờ - Soi Giá, đến những trận đánh đồn Phố Lu, Nghĩa Đô, Phố Ràng… đã đi vào lịch sử quê hương, sáng ngời thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc.
Những thắng lợi trên mặt trận Lào Cai góp phần làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt”. Ngày 1/5/1950, được tin ở mặt trận Phố Lu, Nghĩa Đô, các chiến sĩ chiến đấu anh dũng chống thực dân Pháp, trong đó nhiều chiến sĩ bị thương, Bác đã viết thư động viên anh em thương binh và khen ngợi các thầy thuốc nỗ lực cứu chữa, chăm sóc thương binh chu đáo.
Bác viết: “Anh em thương binh! Tôi được báo cáo rằng trong trận Phố Lu và Nghĩa Đô, toàn thể chiến sĩ tỏ ra rất anh dũng…”.
Ngày 1/11/1950, Lào Cai được giải phóng, nơi nơi người dân hân hoan, niềm vui độc lập đã trọn vẹn trên dọc dải biên thùy. Lào Cai giải phóng không chỉ đánh đuổi được thực dân Pháp mà còn phá tan âm mưu lập “tỉnh Nùng”, “tỉnh Thái” tự trị và ý đồ phong tỏa biên giới của thực dân Pháp.
Sau đó, ngày 27/11/1950, Bác Hồ đã gửi hai bức thư “Thư gửi đồng bào Lào Cai” và “Thư gửi chiến sĩ và cán bộ Lào Cai” để kịp thời căn dặn Nhân dân bảo vệ, giữ vững thành quả cách mạng, phát huy thắng lợi đạt được, xây dựng quê hương. Lời Bác ân cần: “… Được giải phóng rồi, đồng bào ta phải thực hành đại đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trong mọi việc; phải thi đua tăng gia sản xuất cho mọi người được no ấm; phải ra sức giúp đỡ Chính Phủ, ủng hộ bộ đội, để góp phần vào công việc trường kỳ kháng chiến, để chuyển mạnh sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi…”.
Còn với chiến sĩ và cán bộ Lào Cai, Bác khen ngợi thành tích đã đánh bật giặc ra khỏi địa phương và cần quan tâm đề nghị những đơn vị, cá nhân có công trạng đặc biệt để Chính phủ khen thưởng, không vì thắng mà kiêu, không được chủ quan; bộ đội phải giúp đồng bào tăng gia sản xuất và thực hành chính sách đại đoàn kết toàn dân…
Bác Hồ còn có thư gửi nhi đồng Xã Ba - thị xã Sa Pa ngày nay, thư gửi công nhân và cán bộ Mỏ Apatit Lào Cai. Mỗi bức thư đều chứa chan tình cảm Bác dành cho tất thảy người dân Lào Cai. Càng thấy rõ hơn tình yêu bao la của vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc, dù bận trăm công, nghìn việc đại sự quốc gia, nhưng vẫn theo sát từng bước đi của Lào Cai.
Bác là thế “Người là Cha, là Bác, là Anh/Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” (thơ Tố Hữu).
Bài báo tiếp thêm động lực mới
Cách đây ít lâu, tôi có dịp trở lại xã Bản Phố, huyện Bắc Hà - nơi được Bác viết bài báo “Một thắng lợi mới” năm 1962 biểu dương phong trào học tiếng Mông và là xã người Mông đầu tiên xóa xong nạn mù chữ, góp phần quan trọng phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí.
Bác viết: “Từ năm 1959, với sự săn sóc của Đảng và Chính phủ ta, đồng bào Mèo (từ đây gọi là người Mông - PV) đã có chữ viết của dân tộc mình. Ở tỉnh Lào Cai có hơn 70 xã người Mông. Năm 1959, sau khi mới có chữ Mông, chỉ có một người biết đọc, biết viết. Hiện nay, có hơn 300 cán bộ và thầy giáo dạy chữ Mông và hơn 5.900 người Mông học các lớp.
Đó là một thắng lợi mới về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta và thắng lợi đầu tiên của đồng bào Mông về mặt văn hóa. Có thắng lợi đó là do Tỉnh ủy Lào Cai lãnh đạo thiết thực, do đồng bào Mông cố gắng học hành và đồng bào xã Bản Phố đã tiến bộ khá nhất. Mong rằng đồng bào các xã miền ngược thi đua với Bản Phố trong công việc xóa nạn mù chữ, đồng bào Bản Phố thì nên thi đua học bổ túc văn hóa để nâng cao hơn nữa trình độ hiểu biết của mình…”.
Theo ông Lý Xuân Diu, gần 70 tuổi ở thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố, năm 1962, xã Bản Phố đã tổ chức đọc bài báo của Bác để đông đảo người dân trong xã được biết, qua đó khích lệ tinh thần học tập của địa phương. Vị trí đọc bài báo ở ngay điểm trường Bản Phố 1, thuộc Trường Tiểu học Bản Phố ngày nay. Ông kể: Ngày đó, ở địa phương có thầy giáo Phạm Văn Tuấn, người Bắc Ninh về dạy học. Rồi từ lớp học đầu tiên này đã có người đi học chữ Mông để về dạy tiếng Mông cho mọi người. Quan trọng hơn đã nhen lên tinh thần hiếu học, nhiều người con của Bản Phố như ông Diu và nhiều người khác có thêm động lực học tập, trở thành giáo viên, cán bộ cốt cán của tỉnh.
Truyền thống hiếu học tiếp tục được cấp ủy, chính quyền xã và các gia đình, dòng họ chăm lo. Minh chứng cụ thể, Bản Phố là địa phương đầu tiên của huyện Bắc Hà thành lập dòng họ Lý hiếu học. Xã hiện có 18 chi hội khuyến học với hơn 850 hội viên. Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường và tạo điều kiện thuận lợi để học tập. Toàn xã có 6 dòng họ học tập, 11 cộng đồng học tập, hơn 93% số hộ gia đình đăng ký gia đình học tập…
Chiếc gậy roi - món quà của nhi đồng Sa Pa
Trong cuốn hồi ký “Mơ về Sa Pa mảnh đất thần tiên” xuất bản năm 2018, tác giả Trương Việt Thường có bài viết kể về món quà cha ông đã tặng Bác Hồ năm 1945. Theo tác giả, sau khi nghe tin nước nhà được độc lập, cả thị trấn Sa Pa ngày đêm rộn ràng tiếng trống của thiếu nhi mừng ngày chiến thắng.
Ở Sa Pa cũng diễn ra “Tuần lễ vàng” ủng hộ Chính phủ lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Riêng cha ông lấy danh nghĩa là nhi đồng Sa Pa gửi tặng Bác hai chiếc ba toong tự tay làm. Sở dĩ cha ông lấy danh nghĩa nhi đồng Sa Pa vì có con trai là Trương Vĩnh Thịnh cùng với ông Nguyễn Tài Thu phụ trách đội nhi đồng ở Sa Pa lúc đó.
Thời kỳ này, người dân thị trấn Sa Pa gọi cha ông Thường là ông Phó bạc, chuyên thu mua song mây của gia đình người Mông ở bản Cát Cát, sau đó làm thành cây gậy ba toong để bán.
“Riêng chiếc ba toong cha tôi tặng Bác Hồ là loại tốt nhất, đẹp nhất vì Cha đã làm nó bằng tất cả lòng kính yêu đối với Người. Đầu chiếc ba toong được bịt bằng bạc trắng có họa tiết hoa văn của dân tộc Mông. Cha tôi dùng đèn nhỏ xì ngọn vẽ lên thân ba toong hình “tháp rùa” và đôi vịt đang bơi lội trên lá sen. Trên đó, cha tôi khắc dòng chữ quốc ngữ với nội dung: Việt Nam dân chủ cộng hòa/Kỷ niệm Sa Pa/Quà của nhi đồng Sa Pa Lào Cai gửi Bác Hồ...” ông Trương Vĩnh Thường nhớ lại.
Sau khi nhận được món quà của nhi đồng Sa Pa, Bác đã viết “Thư gửi nhi đồng Xã Ba Lào Cai”. Tác giả Trương Vĩnh Thường giải thích: Trong bức thư Bác đã chữa “Chapa” thành “Xã Ba”, chiếc ba toong thành chiếc “gậy roi”. Vì lúc đó, Bác muốn dùng những từ tiếng thuần Việt thay thế từ có âm tiếng Pháp hay tiếng Hán.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/lao-cai-trong-trai-tim-bac-ho-post373932.html