Lào Cai: Yêu cầu xây dựng thủy điện Tà Lơi 1 phải giữ được cảnh quan thác Rồng
UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo đầu tư xây dựng thủy điện Tà Lơi 1 (Lào Cai) phải theo phương án hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên của thác Rồng.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai, thủy điện Tà Lơi 1 được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt vào Quy hoạch bậc thang thủy điện trên Ngòi Phát ở địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủy điện Tà Lơi 1 tại Quyết định số 9791/QĐ-BCT ngày 30/10/2014, Quyết định số 1792/QĐ-BCT ngày 11/5/2016.
Vị trí xây dựng công trình được xây dựng trên suối Tà Lơi (nhánh của Ngòi Phát - hệ thống Sông Hồng) thuộc địa bàn xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Thủy điện Tà Lơi 1 được UBND tỉnh Lào Cai cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Chấp thuận điều chỉnh chủ trương lần thứ nhất; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (mã dự án 4701628668) chứng nhận thay đổi lần thứ 2 ngày 21/12/2020, trong đó diện tích đất dự án là 494.301 m2.
Theo sơ đồ khai thác, dự án thủy điện Tà Lơi 1 xây dựng đập chính trên suối Pó Hồ (tên thường gọi suối Trung Hồ), chuyển nước bằng đường hầm dẫn nước sang hồ phụ; xây dựng đập phụ trên nhánh suối (tên gọi Li Lử Hồ) phía bờ phải suối Tà Lơi, tuyến năng lượng kiểu đường dẫn và nhà máy thủy điện kiểu hở bên bờ phải suối Tà Lơi, nước sau khi phát điện được xả trở lại suối Tà Lơi.
Như vậy, về cơ bản dự án thủy điện Tà Lơi 1 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước tạo thành thác Rồng.
Ngày 09/01/2023, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản chỉ đạo về việc đề xuất phương án đầu tư dự án thủy điện Tà Lơi 1, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hạ tầng và Giao thông là chủ đầu tư đã nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn phương án tối ưu đầu tư dự án thủy điện Tà Lơi 1, trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về kinh tế -kỹ thuật, hạn chế tối đa tác động đến đất đai, môi trường, dân cư, hạ tầng, tưới tiêu, cảnh quan du lịch.
Hiện nay, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan liên quan đối với phương án đầu tư thủy điện Tà Lơi 1, cụ thể chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh phương án tuyến năng lượng từ đường ống áp lực đi nổi thành tuyến đường hầm dẫn nước và giếng đứng, tối ưu lại tuyến đường thi công vận hành, theo đó diện tích chiếm đất của dự án xuống còn 38,15ha, đã bao gồm cả các bãi thải; bổ sung công trình chuyển nước từ suối Tà Lai sang nhánh suối Li Lử Hồ để duy trì nước cho Thác Rồng vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên Thác Rồng vừa đảm bảo kinh tế -kỹ thuật cho dự án.
Đến nay, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đã nhận được ý kiến tham gia của đa số cơ quan chức năng và đang chờ ý kiến tham gia của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Bát Xát.
Trong đó, ý kiến của UBND xã Trung Lèng Hồ đã tổ chức cuộc họp tham vấn ý kiến của các hộ dân nằm trong vùng phạm vi dự án bị ảnh hưởng vào trung tuần tháng 3/2023 tại hai thôn Pờ Hồ và Trung Hồ, cơ bản các ý kiến của Nhân dân đồng ý về chủ trương triển khai thực hiện dự án thủy điện Tà Lơi 1 và nhất trí về báo cáo đánh giá ảnh hưởng, các giải pháp khắc phục của thủy điện Tà Lơi 1 đến môi trường và xã hội của địa phương.
Sau khi có đầy đủ ý kiến các sở, ngành, địa phương liên quan đối với Báo cáo đánh giá ảnh hưởng và các biện pháp khắc phục của dự án thủy điện Tà Lơi 1 đến môi trường và xã hội tại địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, đặc biệt là ý kiến của UBND huyện Bát Xát.
Trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng các yêu cầu về kinh tế -kỹ thuật, tác động dự án đến đấ tđai, môi trường, dân cư, hạ tầng, tưới tiêu, cảnh quan du lịch,... Sở CôngThương tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét thống nhất phương án đầu tư thủy điện Tà Lơi 1 theo quy định.
Được biết, việc đầu tư xây dựng dự án thủy điện Tà Lơi 1 được tính toán, lựa chọn công suất lắp máy 15MW, điện lượng trung bình năm khoảng 58 triệu kWh, khi dự án hoàn thành phát điện sẽ tạo việc làm ổn định, lâu dài cho khoảng 20 công nhân vận hành, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước (các khoản thuế, phí phải nộp khoảng 12,6 tỷ đồng/năm), góp phần xây dựng nông thôn mới (hỗ trợ địa phương đầu tư các công trình giao thông nông thôn kết hợp đường vận hành, đường điện thi công kết hợp đường điện nông thôn.
Đối với việc đầu tư, phát triển du lịch thác Rồng, theo số liệu tham vấn từ xã Trung Lèng Hồ năm 2018, 2019 lượng khách trung bình ước khoảng 6.000 người/năm, tập trung vào các tháng 3,4,5; từ tháng 6 đến tháng 9 lưu lượng nước lớn nên không có địa điểm ngắm cảnh và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Các năm gần đây lượng khách giảm nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh và đa số các đoàn chỉ đến 1 lần. (năm 2022 lượng khách còn khoảng 1.500 người);... do đó việc phát triển du lịch tại khu vực thác Rồng cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả.