Lào, Campuchia gửi Điện mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi trên các mặt trận giai đoạn 1953 - 1954 đã tạo điều kiện, môi trường thuận lợi và lợi thế trên bàn đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định Geneve lập lại hòa bình ở ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia đã gửi Điện mừng tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nội dung Điện mừng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có đoạn viết:
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, thực dân Pháp đã sử dụng lực lượng quân sự mở các chiến dịch tấn công để quay trở lại xâm lược Việt Nam cũng như Đông Dương lần thứ 2. Thực hiện đường lối đấu tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, chủ yếu dựa vào thực lực của mình và vũ khí sẵn có nhưng với tinh thần đấu tranh kiên cường, Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi, mở rộng phạm vi vùng giải phóng, chính quyền dân chủ nhân dân được củng cố, lực lượng vũ trang cách mạng ngày càng phát triển lớn mạnh, cục diện trên chiến trường Việt Nam và Đông Dương có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng có lợi. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân đội và nhân dân Việt Nam liên tiếp làm thất bại các âm mưu, kế hoạch của thực dân Pháp.
Với tinh thần “tất cả cho kháng chiến”, “tất cả vì tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng” cộng với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cả nước đồng lòng, tập trung nhân lực, vật lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ kết hợp với sức mạnh thời đại, sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới và Đông Dương, quân đội và nhân dân Việt Nam đã tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ một cách trường kỳ, ác liệt, anh dũng và giành chiến thắng mang tính quyết định, đưa phong trào đấu tranh chống thực dân của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng, viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm 1954.
Chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi trên các mặt trận giai đoạn 1953 - 1954 đã tạo điều kiện, môi trường thuận lợi và lợi thế trên bàn đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định Geneve lập lại hòa bình ở ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Miền Bắc Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là động lực to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một trong những thắng lợi to lớn của Đảng, quân đội, nhân dân Việt Nam anh em trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân xâm lược, là biểu tượng của liên minh chiến đấu giữa quân đội, nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, là nguồn sức mạnh to lớn thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng, nhân dân Lào giành thắng lợi. Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào bày tỏ biết ơn sâu sắc và chân thành cảm ơn sự giúp đỡ to lớn, quý báu, hiệu quả, kịp thời mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho Lào trước đây cũng như trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Nội dung Điện mừng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia có đoạn viết:
70 năm qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu luôn được người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế khắc ghi trong lòng, đặc biệt đây là bằng chứng của tình đoàn kết, đồng cam cộng khổ giữa 3 dân tộc Việt Nam - Campuchia - Lào.
Đảng Nhân dân Campuchia tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, nhân dân Việt Nam tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đảng Nhân dân Campuchia đánh giá cao về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước ngày càng phát triển theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.