Lào: Đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 85% đối tượng đợt 1
Ngày 19/4, truyền thông Lào dẫn lời giới chức y tế nước này cho biết lực lượng chức năng đã tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 85% người dân trong danh sách đối tượng tiêm chủng đợt 1.
Lào đang tiến hành chương trình tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và phần lớn những người trong nhóm đối tượng ưu tiên đã được tiêm liều vaccine đầu tiên.
Ngày 19/4, truyền thông Lào dẫn lời giới chức y tế nước này cho biết lực lượng chức năng đã tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 85% người dân trong danh sách đối tượng tiêm chủng đợt 1.
Tính đến ngày 4/4, khoảng 103.000 người trong các nhóm có nguy cơ đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên, và 6.171 người đã được tiêm mũi vaccine thứ 2. Chính phủ Lào đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho ít nhất 150.000 người dân trong giai đoạn đầu của chương trình tiêm chủng.
Đợt tiêm chủng vaccine lần này là một phần trong kế hoạch phòng, chống và kiểm soát COVID-19 mà các cơ quan y tế đang nỗ lực thực hiện nhằm kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Hiện chương trình tiêm chủng của Lào đã được mở rộng thêm nhiều nhóm đối tượng hơn, ngoài nhân viên y tế. Các công chức, viên chức thuộc các bộ, các cơ quan ngang bộ, các sở, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán và gia đình, cũng như một số doanh nghiệp được cho là có nguy cơ, hiện đang là mục tiêu của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trước đó, một báo cáo cho biết Lào đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 1,6 triệu người, khoảng 22% dân số, vào năm 2021. Tỷ lệ bao phủ tiêm chủng dự kiến sẽ tăng lên 70% dân số vào năm 2022.
Bộ Y tế Lào đề nghị người dân đề cao tinh thần cảnh giác trước dịch bệnh. Chính quyền và người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của chính phủ liên quan đến các biện pháp phòng, chống virus SARS-CoV-2.
Tính đến nay, Lào đã ghi nhận 58 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 9 người đang điều trị tại bệnh viện.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Bộ Y tế Campuchia thông báo phát hiện 624 ca mắc mới COVID-19 trên cả nước, trong khi thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao (tỉnh Kandal) tiếp giáp đã bước sang ngày thứ 5 phong tỏa chống dịch.
Trong ngày, hàng loạt điểm giao dịch tài chính, ngân hàng và trường học tại Phnom Penh được cảnh báo về trường hợp mắc COVID-19 có thể đã lui tới, trong đó có Canadia Tower - 1 trong những tòa nhà lớn và là một trung tâm mua sắm lớn và văn phòng của nhiều công ty-doanh nghiệp tại Campuchia.
Cơ quan chức năng Campuchia thông báo, trong khoảng thời gian từ ngày 5-12/4, những khách hàng từng qua lại và nhân viên làm việc tại tòa nhà Canadia Tower, nằm trên đại lộ Monivong, cần tự cách ly và theo dõi trong vòng 14 ngày.
Một vấn đề lớn đã được chính quyền Phnom Penh giải quyết trong ngày 19/4 là việc đảm bảo nguồn cung ứng rau quả cho thành phố sau khi chợ đầu mối Doeum Kor phải đóng cửa do có nhiều tiểu thương mắc COVID-19.
Theo đề nghị của chính quyền Đô thành Phnom Penh, tỉnh Kandal đã lựa chọn sân vận động rộng 2 ha của tỉnh để làm chợ tạm thời cho các tiểu thương chợ Doeum Kor sử dụng làm nơi bán sỉ, cung cấp rau quả cho thủ đô và nhiều tỉnh khác.
Tỉnh trưởng Kandal, ông Kong Sophoan, sau khi thị sát sân vận động tỉnh đã khẳng định địa điểm chợ tạm thời đảm bảo đủ rộng và khoảng cách đặt các quầy hàng hợp lý để tránh nguy cơ lây lan dịch COVID-19.
Ngay trong ngày 19/4, Thủ tướng Hun Sen đã chỉ đạo Bộ Thương mại sẵn sàng vận chuyển và phân phối lương thực, thực phẩm thiết yếu để bán cho người dân sống trong các khu vực phong tỏa.
Ngoài ra, Thủ tướng Hun Sen cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai ngay các biện pháp để phân phát hàng cứu trợ khẩn cấp cho những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực phong tỏa.
Trước đó, từ ngày 15/4, Bộ Thương mại Campuchia bắt đầu triển khai bán gạo và mì lưu động ở Phnom Penh với giá thấp hơn thị trường để tạo đảm bảo cho người dân mua mỗi gia đình 1 bao gạo và 1 thùng mì.
Công ty Green Trade, Bộ Thương mại và Liên đoàn Lúa gạo Campuchia cũng kêu gọi người dân không lo thiếu gạo khi Chính phủ Hoàng gia áp dụng các biện pháp phong tỏa ở Phnom Penh và thành phố Takhmao của tỉnh Kandal.
Đến nay, Campuchia ghi nhận 7.013 mắc COVID-19, trong đó 2.524 ca đã khỏi bệnh. Tổng cộng 6.470 ca nhiễm liên quan đến “sự kiện cộng đồng ngày 20/2”.
Trong bối cảnh xuất hiện những quan ngại về nguy cơ thiếu bác sĩ và y tá khi nước này đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, Chính phủ Nhật Bản cho biết đang cân nhắc để các nha sĩ tham gia việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Phát biểu với báo giới, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato khẳng định đang xem xét những gì thật cần thiết để đảm bảo người dân nước này có thể được tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhanh chóng và an toàn. Quyết định về việc có huy động nha sĩ tham gia tiêm vaccine cho người dân hay không sẽ được đưa ra trong tháng này.
Kể từ khi Nhật Bản tiến hành chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào giữa tháng 2, khoảng 1,2 triệu nhân viên y tế nước này, cùng 13.000 người trên 65 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer, chiếm chưa đầy 1% trong tổng số 126 triệu dân nước này.
Thiếu nguồn cung được cho là nguyên nhân chính khiến Nhật Bản triển khai khá chậm chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19./.