Lao đao trong 'cơn bão' dịch tả lợn châu Phi

Chỉ trong 2 tháng, 'cơn bão' dịch tả lợn châu Phi hoành hành đã làm hơn 980 hộ chăn nuôi của tỉnh Bắc Kạn bị thiệt hại nặng nề, việc tái đàn gặp nhiều khó khăn.

Người chăn nuôi Bắc Kạn lao đao sau “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi.

Nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại

Trong tháng 5 vừa qua, hộ ông Nguyễn Văn Thuận ở tổ Khuổi Mật, phường Huyền Tụng, TP. Bắc Kạn có 12 con lợn giống lai rừng buộc phải tiêu hủy do mắc dịch tả lợn châu Phi. Lợn giống có giá bình quân từ 100.000-120.000 đồng/kg khiến ông Thuận thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Dù rất tiếc nhưng khi phát hiện đàn lợn bị bệnh, ông chấp nhận tiêu hủy để tránh mầm bệnh lây lan.

Ông Thuận buồn bã cho biết: “Lợn rừng được nuôi theo phương pháp bán chăn thả vừa nuôi nhốt, vừa kết hợp thả rông, giống lợn là của gia đình tự gây, không đi mua ở nơi khác nhưng vẫn bị bệnh. Mặc dù dùng nhiều phương pháp để chữa trị nhưng không cải thiện, tôi đã báo cho cán bộ thú y đến kiểm tra và tiến hành tiêu hủy theo quy định”. Hiện, ông Thuận mong muốn Nhà nước sớm hỗ trợ cho người chăn nuôi để có vốn tái sản xuất.

Nhìn chuồng lợn trống trơn, khuôn mặt bà Chu Thị Thê ở thôn Nà Cưởm, xã Dương Quang, TP. Bắc Kạn nặng trĩu nỗi buồn. 20 con lợn trị giá hàng chục triệu đồng của gia đình buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh tả lợn châu Phi. Mấy chục năm chăn nuôi nhưng đây là lần đầu tiên lợn nhà bà Thê nuôi bị ốm, bệnh hàng loạt. Bà cho biết mọi khi rất cẩn thận trong phòng dịch, hằng tuần đều sát khuẩn chuồng trại. Khi đi xa về, trước khi vào chuồng cho lợn ăn hoặc vệ sinh đều thay tư trang để tránh đưa các mầm bệnh từ bên ngoài vào. Lần này bà cũng thừa nhận do chủ quan, lơ là trong phòng dịch dẫn đến lợn bị ốm và lây sang cả đàn. Cuối tháng 4 vừa qua, địa phương, ngành chức năng xuống xác minh, vận chuyển cả đàn lợn của gia đình đi tiêu hủy, thiệt hại lớn về kinh tế.

Anh Triệu Đức Thiều ở thôn Bản Luông, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông cũng vừa tiêu hủy hơn 2 tạ lợn, gồm 1 lợn nái và 3 con lợn choai, thiệt hại ước tính hơn 20 triệu đồng. Anh cho biết con lợn nái mẹ đang gây giống thì bị bệnh phải tiêu hủy khiến bản thân mất ngủ mấy đêm vì tiếc. Nhưng lo dịch lan ra diện rộng nên anh đã báo cáo chính quyền địa phương đến kiểm tra, xác minh, thống kê và tiêu hủy theo đúng quy định.

Cần sớm hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến ngày 28/5, 982 hộ trong tỉnh có lợn mắc dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy là 3.900 con, trọng lượng trên 155 tấn. 8/8 huyện, thành phố đều có dịch.

Tốc độ dịch lây lan nhanh chóng, khó kiểm soát, gây thiệt hại kinh tế cho không ít hộ chăn nuôi. Số lợn ốm, mắc bệnh đa phần thuộc hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại không đảm bảo tiêu chuẩn. Vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi chủ quan trong phòng dịch nên tốc độ lây lan nhanh. Trong khi đó, đây chính là nguồn kinh tế chính của các hộ chăn nuôi. "Cơn bão” dịch tả châu Phi đi qua đã đẩy không ít hộ chăn nuôi vào hoàn cảnh khó khăn.

Qua kiểm tra, thăm nắm tình hình dịch tả lợn châu Phi tại các huyện, thành phố thời gian gần đây, bà Vi Thị Thúy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương cần rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác trọng lượng, thông tin, số lượng của các hộ có lợn bị dịch để tỉnh thực hiện hỗ trợ theo các chính sách hiện hành.

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, số lợn mắc bệnh vẫn tăng theo từng ngày. Đây là loại bệnh nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, khó chữa, mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh nhưng chưa sử dụng phổ biến, đại trà. Với các hộ có đàn lợn chưa nhiễm bệnh, thời gian này cần thực hiện triệt để khuyến cáo của ngành chức năng, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học theo để nhanh chóng vượt qua "cơn bão" dịch./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/lao-dao-trong-con-bao-dich-ta-lon-chau-phi-post63764.html