Băn khoăn mức thuế khiến nông dân bất lợi
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất không đánh thuế hoặc áp thuế ở mức thuế 0% đối với mặt hàng phân bón để hỗ trợ nông dân
Ngày 24-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Quy định mức thuế suất 5% áp dụng đối với mặt hàng phân bón được nhiều đại biểu (ĐB) QH quan tâm, thảo luận.
"Không nên thu của người nghèo trả người giàu"
ĐBQH Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) khẳng định việc tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước là rất cần thiết và nên nghiên cứu kỹ việc phân bón chịu thuế suất 5%.
Theo ĐB Nguyễn Danh Tú, phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, nông dân sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi quy định thuế trên. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, đánh giá tác động nhiều mặt.
ĐBQH Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) thông tin qua những kỳ tiếp xúc cử tri, các ĐBQH trong đoàn đều tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri liên quan đến chi phí đầu tư cho mỗi kỳ canh tác gồm giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật, giá xăng dầu, giá thuê nhân công, vận chuyển đều tăng. Mâu thuẫn giữa giá nông sản và giá phân bón kéo dài trong thời gian qua luôn là vấn đề nóng của nông nghiệp Việt Nam.
Nữ ĐBQH kiến nghị xem xét sửa đổi theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất GTGT 0%. Bà phân tích nếu luật quy định giữ 5% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỉ đồng, còn nếu áp dụng thuế GTGT 0% thì khoảng 2.000 tỉ đồng. Thay vì được bổ sung vào nguồn thu ngân sách nhà nước thì nguồn này sẽ hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và nông dân. Như vậy, nông dân sẽ được giảm đáng kể chi phí đầu vào. QH và Chính phủ nên chọn cái được cho nông dân.
ĐBQH Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) nêu ý kiến nếu tăng thuế GTGT đối với các sản phẩm phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp… là tăng chi phí đầu vào cho nông nghiệp và chịu thuế này là nông dân. Về phía doanh nghiệp, ĐB cho rằng có nhiều cách để hỗ trợ chứ không nhất thiết phải hy sinh lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân, của ngành nông nghiệp, của khu vực nông thôn.
"Không nên chuyển các mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng, tàu đánh bắt xa bờ… sang đối tượng chịu thuế GTGT. Nếu chuyển, nên đưa vào đối tượng chịu thuế suất 0%. Việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất các mặt hàng cạnh tranh trên sân nhà với sản phẩm cùng loại nhập khẩu là cần thiết nhưng không nên đẩy trách nhiệm cho nông nghiệp, nông dân. Không nên thu của người nghèo trả cho người giàu" - ĐB Trần Văn Lâm kiến nghị.
Trước các băn khoăn trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cơ quan soạn thảo sẽ đánh giá lại tác động để trình QH tại kỳ họp cuối năm nay.
Cần xử hình sự hành vi mua bán thai nhi
Thảo luận về dự án Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi), ĐB Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề cập hành vi mới xuất hiện thời gian gần đây, đó là mua bán thai nhi.
Theo pháp luật của Việt Nam, chỉ khi đứa trẻ sinh ra thì mới được coi là con người và có quyền công dân, còn khi đang trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. Vì thế, cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi.
Nữ ĐB cho rằng nếu xét dưới góc độ pháp luật, việc người mẹ bán con cũng có dấu hiệu của tội mua bán người. Tuy nhiên, cả Bộ Luật Hình sự năm 2015 và Luật Phòng chống mua bán người năm 2011 đều chưa quy định về nội dung này. "Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, có giải pháp phù hợp để xử lý đối với hành vi mua bán thai nhi còn trong bụng mẹ" - nữ ĐBQH nêu ý kiến.
ĐBQH Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) bày tỏ đồng tình với ý kiến của một số ĐBQH về xem xét bổ sung quy định liên quan hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ vào dự thảo luật. Theo ĐB, thai nhi dù chưa sinh ra nhưng cần được bảo vệ như con người với đầy đủ các quyền cơ bản. Việc mua bán thai nhi không chỉ vi phạm quyền của thai nhi mà còn xúc phạm nghiêm trọng phẩm giá con người. Bổ sung hành vi này vào tội phạm mua bán người sẽ phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn. Bảo vệ thai nhi đồng thời cũng là bảo vệ bà mẹ mang thai khỏi những hành vi cưỡng bức, ép buộc phải bán con mình.
Sáng nay, 25-6, QH sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Sau đó, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Từ 11 giờ, QH họp riêng xem xét, quyết định nội dung thuộc thẩm quyền.
Cho ghi âm diễn biến phiên tòa
Cùng ngày, với đa số ĐB có mặt tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Với Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), tại nội dung về đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện, QH thống nhất tiếp tục giữ nguyên quy định TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện như luật hiện hành. Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, sẽ cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến; việc ghi hình được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định; việc ghi âm, ghi hình nêu trên phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp, những người có liên quan theo quy định.
Trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, tòa án tiến hành ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình của tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật và giao Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-khoan-muc-thue-khien-nong-dan-bat-loi-196240624215858052.htm