Lao động chuyển dịch thời đại 4.0

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), doanh nghiệp Việt Nam đang cần tuyển hơn 836.000 việc làm lao động phổ thông. Nhu cầu tuyển dụng trong 8 tháng của năm 2024 tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng có đến 85% doanh nghiệp cho biết đang gặp phải tình trạng thiếu lao động; 30% doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng, khi thiếu hơn một nửa so với nhu cầu thực tế.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Thực trạng trên đã diễn ra trong những năm gần đây, trong khi có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm.

Qua các phiên giao dịch việc làm trực tuyến cho thấy, yêu cầu trình độ tuyển dụng đã có một số thay đổi. Nếu như những năm trước, doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động phổ thông không yêu cầu cao về trình độ, tay nghề, thì hiện nay, yêu cầu về trình độ đặt ra cao hơn khi gần 80% vị trí tuyển dụng yêu cầu trình độ cao đẳng, đại học và công nhân kỹ thuật, trung cấp.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong những năm qua, rào cản lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Để thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, doanh nghiệp không nhất thiết lấy xuất phát điểm là các kỹ sư mà vẫn có thể sử dụng nguồn lao động trung cấp kỹ thuật, miễn là đáp ứng được yêu cầu. Để chủ động nguồn lao động này, chúng tôi đã phối hợp với một số cơ sở đào tạo nghề đồng hành với sinh viên từ những ngày đầu đến khi tốt nghiệp.

Việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả ba bên là cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp và người học. Đối với cơ sở đào tạo nghề, việc liên kết sẽ tạo cơ hội để huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để tăng quy mô và chất lượng đào tạo. Đối với doanh nghiệp, việc hợp tác sẽ giúp họ nắm bắt được khả năng, đặc điểm đào tạo của nhà trường để có kế hoạch phối hợp, tham gia cùng đào tạo.

Theo thống kê, sẽ có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những ngành nghề bị tác động nhiều nhất thường là những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, công nhân trong các nhà máy, nhân viên thu ngân...

Báo cáo thị trường lao động mới đây của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, nhóm lao động từ 35 tuổi trở lên có nhu cầu tìm việc khá cao, chiếm 40,95%, chỉ sau nhóm từ 25-34 tuổi (chiếm 48,86%). Tuy nhiên, lao động ở độ tuổi trung niên đang gặp khó khăn khi tìm việc do thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và tự động hóa khiến cho những kỹ năng truyền thống mà lao động trung niên sở hữu trở nên lỗi thời, trong khi các công việc hiện đại yêu cầu những kỹ năng sử dụng công nghệ mới. 70% các vị trí công việc yêu cầu người lao động phải có kỹ năng công nghệ thông tin/tin học văn phòng. Đây là thách thức đối với lao động trung niên.

Rõ ràng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến nhiều ngành nghề mới, thu hút rất nhiều lực lượng lao động như cơ điện tử, tự động công nghiệp, phát triển mạng Internet, di động, điện toán đám mây, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo..., đồng thời yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao để chuyển đổi.

Bên cạnh đó, xã hội hiện nay không còn chạy theo bằng cấp mà chú trọng đến tay nghề và kỹ năng đáp ứng công việc mới nhiều hơn. Do vậy, lao động Việt Nam muốn có việc làm ổn định, thu nhập cao, cần thích ứng với xu hướng làm việc mới, không ngừng học hỏi, trau dồi, cập nhật kỹ năng, công nghệ mới.

Mặt khác, người lao động cần được tạo điều kiện về chính sách đào tạo và đào tạo lại, để có thể tham gia vào các ngành nghề mới và được hỗ trợ tài chính trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp. Theo đó, bản thân các doanh nghiệp chủ động thiết lập các chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao kỹ năng cho lao động, giúp họ trau dồi, cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới cần thiết cho công việc.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lao-dong-chuyen-dich-thoi-dai-40-post481621.html