Lao động đem lại niềm vui sống

Đó là chia sẻ của Đại tá Ma Công Sự, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Võ Nhai. Ngoài những giờ phút cống hiến tâm sức cho việc chung, khi về với gia đình, ông lại tích cực tăng gia sản xuất. Điều đó mang lại cho ông sức khỏe và niềm vui ở tuổi xế chiều.

Ông Ma Công Sự chăm sóc dúi.

Ông Ma Công Sự chăm sóc dúi.

Chúng tôi ngồi trò chuyện với vợ chồng ông Ma Công Sự trong ngôi nhà đơn sơ nằm nép mình bên sườn núi xóm Na Rang, xã Vũ Chấn, quang cảnh xung quanh tươi mát, sạch, đẹp không khác gì một điểm du lịch sinh thái; cùng với thần thái rất “lính” của chủ nhân khiến câu chuyện rôm rả, vui vẻ như người thân lâu ngày gặp lại.

Ông tự hào kể cho chúng tôi nghe về truyền thống yêu nước của gia đình, về người cha từng là lái xe cho Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu, rồi lần lượt 3 anh em cùng viết đơn tình nguyên lên đường nhập ngũ. Lúc tham gia quân đội, ông Sự chưa đầy 18 tuổi, được biên chế vào Lữ đoàn 210, đóng quân ở Cao Bằng. Kinh qua nhiều vị trí khác nhau, sau này, ông Sự về công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Võ Nhai cho đến lúc nghỉ hưu.

Với uy tín, trách nhiệm cao, ông tiếp tục được tín nhiệm giao làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Võ Nhai. 7 năm trên cương vị này, ông luôn cùng các cán bộ, hội viên đoàn kết, đồng lòng, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ góp phần xây dựng huyện Võ Nhai ngày càng phát triển. Với những thành tích xuất sắc trong công tác, năm 2018, ông Sự vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba…

Nói về cuộc đời binh nghiệp, ông say sưa với từng kỷ niệm, quá khứ đã hun đúc nên một con người rắn rỏi, quyết đoán và đam mê lao động. Chuyển sang câu chuyện làm kinh tế, ông mau mắn dẫn chúng tôi tham quan khu chuồng trại chăn nuôi toàn “con đặc sản” như dúi má đào, cày vòi, con hon...

Ông Sự bảo: Tôi không bao giờ cho phép gia đình mình nghèo khó, bởi trong con người tôi luôn có sự đam mê lao động, tìm tòi, học hỏi những cái hay, cái mới. Trước khi mua giống về chăn nuôi, tôi đã cất công đi tham quan, hỏi kinh nghiệp từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Nội. Sau đó, tôi bỏ ra hơn 200 triệu đồng mua 7 đôi hon, 1 đôi cày vòi, 1 đôi lợn rừng và 6 đôi dúi má đào… về chăn nuôi.

Ông kể tiếp: Trước đó, tôi từng nuôi dê, trung bình trong chuồng lúc nào cũng có gần trăm con, mỗi năm thu lãi từ bán dê đạt 150-200 triệu đồng. Nay, ở xóm cũng như trong xã có nhiều hộ chăn nuôi dê nên tôi mới chuyển sang nuôi con đặc sản. Làm gì, nuôi con gì, mình cứ dành trọn tâm huyết vào đó thì không lo thất bại. Đơn cử như nuôi dê, một ngày tôi phải ra thăm đàn 5-6 lần để quan sát, xem có con nào bị đi ngoài, viêm phổi hay thối cuống rốn… là có biện pháp xử lý kịp thời. Cùng với đó là tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm vắc-xin phòng bệnh. Nhiều người cứ bảo thoát nghèo khó, riêng tôi thấy không khó, chỉ cần bản thân chăm chỉ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm ăn, chú tâm vào công việc mình đã lựa chọn… thì khó khăn cỡ nào cũng sẽ vượt qua.

Có lẽ vì có những suy nghĩ và cách làm như vậy nên nghe ông kể chuyện làm kinh tế cứ nhẹ nhàng, thoải mái, cách ông chăm sóc đàn vật nuôi cũng nhàn nhã như một cuộc “dạo chơi”...

Từ khu chuồng trại chăn nuôi, chúng tôi phóng tầm mắt ngắm vườn đồi bát ngát màu xanh cây trái, cây rừng với sự đa dạng về chủng loại, nào bưởi, nhãn, trám, quế, kháo, lát, bạch đàn, trầm hương… được phủ xanh trên diện tích hơn 5ha. Dưới thung, ông Sự tận dụng độ sâu đắp bờ, xây kè thành ao thả cá. Hơn 1 mẫu ruộng được trồng ngô, lúa vừa đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ cho gia đình vừa có nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi.

Kinh tế ngày càng phát triển, có của ăn của để nhưng ông Sự bảo chừng nào còn sức khỏe còn lao động, bởi chỉ có lao động mới mang lại niềm vui và ý nghĩa cuộc đời. Vừa qua, ông sẵn sàng bỏ ra 160 triệu đồng đổ bê tông đoạn đường dài hơn 300m từ trục đường chính vào ngõ nhà mình, trong đó có hộ anh Mai Quốc Vũ và chị Nguyễn Thị Kỳ cùng hưởng lợi, nhưng không phải đóng góp gì.

Nửa ngày tiếp xúc với vợ chồng Đại tá Ma Công Sự đã thực sự truyền cảm hứng và nguồn năng lượng tích cực cho chúng tôi. Chứng kiến những việc ông đã và đang làm càng khiến tôi nể phục người cựu chiến binh già nhưng tâm hồn và ý chí vẫn phơi phới như tuổi đôi mươi.

Vợ ông Sự là người phụ nữ chất phác, hiền lành, chăm chỉ lam làm, mấy chục năm thay chồng quán xuyến việc gia đình để ông yên tâm công tác.

Trước khi chia tay, ông không quên nhắc tới 2 cô con gái với vẻ tự hào: Các con tôi đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Gia đình tôi nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Hải Đăng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/net-dep-doi-thuong/202408/lao-dong-dem-lai-niem-vui-song-8a92b7c/