Lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 7,2% so với cùng kỳ 2022

Trong 9 tháng năm 2023, cả nước đã có hơn 812.000 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó hơn 772.000 người có quyết định hưởng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Số lao động nộp hồ sơ và có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 9 tháng qua đều tăng so với cùng kỳ do nhiều nguyên nhân.

LAO ĐỘNG HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP TĂNG NHƯNG CHƯA ĐÁNG LO NGẠI

Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong 9 tháng qua vẫn còn chịu tác động của hậu Covid-19, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tạm dừng hoạt động, thậm chí giải thể.

Trong đó, phần lớn số bị ảnh hưởng thuộc khối thâm dụng lao động trong các khu vực dệt may, da giày, đồ gỗ…, đã khiến số lao động bị giảm việc làm, mất việc gia tăng.

Mất việc, không có thu nhập, và quyết định nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là lựa chọn của nhiều người lao động trong bối cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, nhờ chính sách mở rộng đối tượng đã có những tác động nhất định khiến cho số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày một tăng, tính đến hết tháng 9 là khoảng 14,3 triệu người, kéo theo số người được thụ hưởng chế độ này cũng tăng lên. Ước thực hiện cả năm 2023, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 31,5-32%.

Theo ông Thanh, thực tế số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ tăng mạnh nhất là ở những tháng đầu năm, do có nhiều lao động bị mất việc từ trước Tết, sau Tết vẫn là thời điểm trong thời hạn 3 tháng để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, nên kéo theo số người hưởng tăng.

Mặc dù số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng, song các chuyên gia đánh giá không quá lo ngại, bởi tỷ lệ thất nghiệp chung vẫn trong tầm kiểm soát.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2023 là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị cũng duy trì tương đối ổn định, năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19) là 3,11%, năm 2020 là 3,88%, năm 2021 trong điều kiện giãn cách xã hội, sản xuất kinh doanh đình trệ khiến tỷ lệ này tăng lên 4,42%. Tuy nhiên, đến năm 2022 giảm xuống còn 2,6%. Và 9 tháng năm 2023 là 2,73%.

HỖ TRỢ TÌM KIẾM VIỆC LÀM, GIẢI QUYẾT KỊP THỜI CHẾ ĐỘ CHO LAO ĐỘNG THẤT NGHIỆP

TS. Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) bổ sung thêm rằng, thị trường lao động Việt Nam có những đặc thù hơn so với các thị trường lao động khác, bởi khu vực nông nghiệp và phi chính thức vẫn tiếp tục là giá đỡ quan trọng cho lao động mất việc làm.

Tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tăng kết nối hỗ trợ lao động tìm việc. Ảnh - N.Dương.

Tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tăng kết nối hỗ trợ lao động tìm việc. Ảnh - N.Dương.

Vì thế, ngay cả thời điểm dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp cũng không tăng lên quá cao. Gần đây, do tác động của suy giảm kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, khiến lao động mất việc, giảm giờ làm, từ đó phần nào kéo tăng tỷ lệ thất nghiệp, nhưng không quá lo ngại.

“Người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất khi mất việc làm họ sẽ lựa chọn quay trở về quê hương và tiếp tục làm việc, hoặc xoay sở các công việc làm phi chính thức để có thu nhập (bán hàng online, chạy grab…), tức vẫn tính là có việc làm”, bà Nga thông tin.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, khi làm việc trong khu vực này thì vấn đề đáng lo ngại là chất lượng việc làm rất thấp, mức thu nhập bấp bênh, họ cũng không được đảm bảo các chế độ về an sinh xã hội. “Rất nhiều lao động mất việc ở khu vực chính thức đã rút bảo hiểm xã hội một lần”, TS. Trịnh Thu Nga nêu thực tế.

Để góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về quản trị thị trường lao động, đặc biệt là tăng cường kết nối cung cầu để hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm trong khu vực chính thức và tạo việc làm thỏa đáng.

TS. Trịnh Thu Nga nhấn mạnh cũng cần chú trọng đến vấn đề thất nghiệp của thanh niên, bởi tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này thường cao hơn 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Vì thế, việc làm cho thanh niên cũng là vấn đề cần chú trọng trong công tác giải quyết việc làm quốc gia, bên cạnh đào tạo nghề, thì vai trò của các Trung tâm Dịch vụ việc làm, đoàn thanh niên cũng rất quan trọng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường kết nối và điều tiết cung - cầu lao động, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm, cần nhiều lao động với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nguồn nhân lực dồi dào.

Đồng thời, nghiên cứu, có giải pháp, chính sách hỗ trợ chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức; hỗ trợ lao động khu vực phi chính thức chuyển đổi sang chính thức…

Bộ cũng sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình cắt giảm đơn hàng, giảm việc làm tại một số ngành nghề. Từ đó, tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm; hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.

Hiện mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, trong đó, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở với người lao động khu vực Nhà nước, không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng với người lao động khu vực doanh nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp: Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lao-dong-huong-tro-cap-that-nghiep-9-thang-dau-nam-tang-7-2-so-voi-cung-ky-2022.htm