Lao động ngậm ngùi đón Tết nơi xứ người

Ngày Tết Nguyên đán cận kề, khi mà mọi người dù đi xa nơi đâu cũng gắng về bên gia đình để sum họp, đón Tết đoàn viên, thì đâu đó vẫn có nhiều người đang phải mưu sinh nơi xứ người vì cuộc sống gia đình. Họ đành phải hẹn gia đình Tết sau.

Gác nỗi buồn, đón Tết xa nhà

Tết đến, dù có bận công việc đến mấy thì bất cứ ai cũng đều mong muốn trở về với gia đình của mình. Cả nhà quây quần với nhau bên mâm cơm cuối năm, đó đã trở thành nét đẹp truyền thống được người Việt duy trì từ xưa đến nay. Thế nhưng, có những con người vì cuộc sống mưu sinh, vì gánh nặng gia đình đành phải tha phương xứ người để lao động.

Ngày Tết về họ thèm muốn được ăn bữa cơm với gia đình sau những tháng ngày lao động mệt nhọc nhưng rất khó. Họ chỉ biết gửi yêu thương, chia sẻ những vui, buồn cho gia đình qua màn ảnh và tiếp tục hy vọng "tết năm sau, con sẽ về".

Nhiều lao động gặp khó khăn về kinh tế bởi dịch bệnh.

Nhiều lao động gặp khó khăn về kinh tế bởi dịch bệnh.

Dù năm nay là năm thứ 3 phải ăn Tết tại đất nước Đài Loan, nhưng anh Đặng Thế Hoàn (ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn không khỏi bùi ngùi, chạnh lòng.

Anh Hoàn sang Đài Loan làm việc tại một công ty tiện CNC, công việc chưa kịp ổn định thì dịch COVID-19 bùng phát khiến anh và nhiều lao động gặp khó khăn bởi thường xuyên phải nghỉ để phòng chống dịch bệnh. Tết năm ngoái một phần vì dịch bệnh, phần vì để tiết kiệm chi phí nên anh quyết định không về nước đón Tết.

"Năm nay công ty tôi cho nghỉ 9 ngày, những ngày cuối năm, lên mạng xã hội nhìn người thân, bạn bè đăng hình ảnh đi mua sắm Tết mà tôi thấy buồn lắm. Năm nay công việc bấp bênh bởi dịch bệnh nên thu nhập không cao, vì tiết kiệm tiền gửi về gia đình nên tôi đành lỡ hẹn với gia đình một cái Tết nữa", anh Hoàn ngậm ngùi chia sẻ.

Nhớ lại Tết năm trước, anh Hoàn tâm sự: "Là năm đầu tiên ăn Tết xa nhà tôi có cảm giác buồn đến lạ. Cả đêm giao thừa tôi gọi về gia đình để chứng kiến cả nhà đón Tết. Qua màn hình điện thoại, nhìn hình ảnh bố mẹ, anh chị quây quần bên nhau trong thời khắc giao thừa mà tôi nhớ da diết".

Với anh Nguyễn Văn Hiệp (24 tuổi, ở Can Lộc, Hà Tĩnh) đang làm việc ở Shizuoka, Nhật Bản, năm nay đã là Tết thứ 3 xa quê. Anh vẫn nhớ cảm giác năm đầu tiên không ăn Tết ở nhà. Đó có lẽ là cái Tết buồn nhất vì vẫn phải đi làm, Tết đầu tiên ở xứ người, không gia đình, không người thân, không hương vị quê.

"Mấy anh em bên này năm nào cũng tổ chức liên hoan Tết với nhau, cũng có bánh chưng, giò chả, nem, thịt đông, dưa hành…, ngồi quây quần với nhau để xóa bớt nỗi nhớ nhà, cùng tâm sự nỗi niềm xa quê. Tết nào em cũng gọi điện về cho gia đình, nói chuyện qua điện thoại lâu lắm. Dù buồn là vậy, nhưng vì cuộc sống gia đình nên tôi đành chấp nhận cố gắng", anh Hiệp chia sẻ.

Những lao động góp nhau mua đồ về tự chế biến đón Tết.

Những lao động góp nhau mua đồ về tự chế biến đón Tết.

Cùng chung cảm xúc, chị Nguyễn Thị Tuyến (38 tuổi, ở Nghi Xuân), một công nhân đang làm việc tại Hàn Quốc cho biết, hơn 3 năm nay chị chưa được về quê sum vầy với gia đình. Năm 2021, có lẽ là năm khó khăn nhất với chị và những lao động đang làm việc tại nước này. Vì dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên nhiều công ty phải đóng cửa. Việc làm ít nên thu nhập của những lao động giảm.

Chị Tuyến cho biết, những năm trước đến ngày Tết cộng đồng người Việt tổ chức rất nhiều hoạt động như gói bánh chưng, lễ Phật, hái lộc đầu xuân… để tạo không khí ấm áp, đầm ấm cho những người con xa quê. Hai năm nay vì tình hình dịch bệnh nên các hoạt động này ít đi, hầu hết các lao động đều phải mua đồ về tự túc làm.

"Phòng tôi có 4 người đều ở Việt Nam nên năm nay chúng tôi quyết định mua đồ về tự gói bánh chưng. Muốn có chút hương vị quê cho với nỗi nhớ. Những ngày này tâm trạng tôi không muốn làm việc, nghĩ đến chồng con, bố mẹ là nươc mắt cứ tuôn trào. hơn 3 năm rồi tôi chưa được về thăm nhà", chị Tuyến tâm sự.

"Giữ" Tết trên đất khách

Với những người con xa xứ, tết luôn là thời điểm buồn nhớ đến rơi nước mắt, quanh quẩn đâu đâu cũng thấy bóng dáng quê hương. Vì thế, họ cố gắng lưu giữ văn hóa Việt trên chính đất nước mà họ sống.

Những lao động xã quê cố gắng lưu giữ văn hóa Việt trên chính đất nước mà họ sống.

Những lao động xã quê cố gắng lưu giữ văn hóa Việt trên chính đất nước mà họ sống.

Cùng chung cảnh Tết xa xứ, anh Trần Đình Long (ở Nghi Xuân) hiện đang làm việc tại Nhật Bản, Tết này anh cũng không thể về quê. Mới qua Nhật làm việc đến nay được tròn một năm, nhưng cả năm qua dịch bệnh tại Nhật Bản liên miên, diễn biến phức tạp, công việc của anh Long dù mới bắt đầu đã gặp rất nhiều khó khăn.

Lần đầu xa nhà, xa gia đình, vợ con, giống như bao lao động khác, anh Long không khỏi nhớ nhà, nhớ quê hương. “Xa nhà nhớ lắm chứ, mỗi lần gọi điện về thấy hình ảnh 2 đứa con thi nhau gọi bố ơi, khi nào bố về, lúc đó tôi chỉ muốn xách vali về nhà ngay. Những ngày này, ở Việt Nam không khí đến đã rộn ràng, còn những lao động như chúng tôi vẫn đang làm việc như những ngày thường. May mắn công ty cũng có nhiều người Việt Nam cùng làm, ở nơi xứ người, mọi người đều quan tâm, chia sẻ với nhau, ngày Tết cùng làm bữa cơm tất niên sum họp, tuy không được như ở nhà, nhưng cũng ấm áp hơn rất nhiều", anh Long chia sẻ.

Các lao động cùng nhau gói bánh chưng để nhớ về hương vị ngày Tết.

Các lao động cùng nhau gói bánh chưng để nhớ về hương vị ngày Tết.

Cũng như nhiều lao động khác, anh Phạm Sơn (ở Can Lộc) hiện đang làm việc tại Đài Loan, không giấu được niềm xúc động khi được chúng tôi hỏi thăm về không khí đón Tết của những lao động tại đây. “Lần đầu tiên tôi đón Tết xa nhà. Cảm giác khó diễn tả vô cùng, mặc dù bên đây cũng đón Tết cổ truyền như bên mình, nhưng anh em vẫn “thèm” cái Tết ở quê nhà hơn. Lao động người Việt được cho nghỉ 3 ngày để đón Tết. Chúng tôi tập trung lại rồi tự tổ chức bữa tiệc nhỏ được chế biến theo ẩm thực của quê mình”.

Một bữa cơm tất niên của những lao động Việt Nam tại Đài Loan.

Một bữa cơm tất niên của những lao động Việt Nam tại Đài Loan.

Tuy không được sum vầy, đón Tết cùng gia đình nhưng trong trái tim những người con xa xứ luôn luôn hướng về quê hương bằng tất cả tình yêu, niềm tự hào. Vì thế, họ cố gắng động viên nhau đón tết vui vẻ, an lành, nỗ lực trong công việc và cuộc sống để đợi chờ đến ngày đón Tết đoàn viên.

Nguyễn Sơn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/lao-dong-ngam-ngui-don-tet-noi-xu-nguoi-172220127124511983.htm