Lao động nước ngoài đóng BHXH thế nào?

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, kể từ ngày 1-1-2018, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Chúng tôi đã trao đổi với ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM, về vấn đề này

Phóng viên: Ông vui lòng cho biết các trường hợp nào người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đóng BHXH bắt buộc?

- Ông PHAN VĂN MẾN: Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động (NSDLĐ) tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc kể từ ngày 1-1-2018. Trường hợp NLĐ di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP và NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 điều 187 của Bộ Luật Lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Mức đóng BHXH của lao động nước ngoài thế nào? Các chế độ đối tượng này được hưởng có khác gì với lao động Việt Nam không?

Mức đóng BHXH của lao động nước ngoài thế nào? Các chế độ đối tượng này được hưởng có khác gì với lao động Việt Nam không?

- Lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng đầy đủ 5 chế độ như lao động trong nước, gồm: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.

Về mức đóng thì theo Nghị định 143/2018/NĐ-CP, hằng tháng NSDLĐ có trách nhiệm đóng: 3% mức tiền lương tháng đóng BHXH vào quỹ ốm đau và thai sản, 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và kể từ ngày 1-1-2022 sẽ đóng thêm 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất. NLĐ hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất (chỉ bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2022). Nghĩa là từ nay đến trước năm 2022, NLĐ không đóng BHXH, còn NSDLĐ sẽ chỉ phải đóng 3,5% mức tiền lương tháng đóng BHXH.

Vậy việc đóng BHXH của NSDLĐ sẽ bắt đầu tính từ thời điểm nào, khi nghị định có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-12-2018) hay từ ngày 1-1-2018 theo quy định của Luật BHXH năm 2014?

- NSDLĐ sẽ bắt đầu đóng BHXH để thực hiện các chế độ ngắn hạn cho NLĐ (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) từ ngày 1-12-2018. Kể từ ngày 1-1-2022 sẽ đóng thêm 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Trường hợp khi đang hưởng chế độ hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng mà NLĐ rời khỏi Việt Nam thì chế độ của họ được giải quyết ra sao?

- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khi không tiếp tục cư trú tại Việt Nam có thể ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH. Trường hợp có nguyện vọng thì được giải quyết hưởng trợ cấp một lần. Khi có nguyện vọng nhận trợ cấp một lần, NLĐ nộp đơn đề nghị cho cơ quan BHXH. Trong 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết cho NLĐ.

Khi NLĐ nghỉ việc và có nguyện vọng hưởng BHXH một lần thì có phải chờ 1 năm sau khi nghỉ việc như lao động trong nước không?

- Theo quy định tại khoản 6 điều 9 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, NLĐ được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng không tiếp tục cư trú tại Việt Nam; NLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn. Như vậy, NLĐ nước ngoài sẽ được hưởng BHXH một lần sau khi nghỉ việc, không phải chờ sau 1 năm như lao động trong nước.

Mai Chi thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/lao-dong-nuoc-ngoai-dong-bhxh-the-nao-20181109192656846.htm