Lao động phi chính thức ở châu Á đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau
2/3 trong số 2 tỷ lao động phi chính thức trên toàn thế giới nằm ở châu Á-Thái Bình Dương và lực lượng này đứng trước tương lai mờ mịt khi các chính phủ chuyển sang nền kinh tế carbon thấp.
Theo các chuyên gia, lực lượng lao động phi chính thức khổng lồ của châu Á không nên bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực toàn cầu nhằm xanh hóa các nền kinh tế.
Các chuyên gia cũng cảnh báo về những hậu quả xã hội nếu quá trình chuyển đổi thay thế nhiên liệu hóa thạch khiến những lao động vốn không được bảo vệ càng trở nên dễ bị tổn thương hơn.
Thống kê từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết châu Á-Thái Bình Dương vẫn chiếm 2/3 trong số 2 tỷ lao động phi chính thức trên toàn thế giới.
Tỷ lệ việc làm phi chính thức, bao gồm cả những lao động bán thời gian, tạm thời và không nhận bảo trợ xã hội, trung bình chiếm 68% lực lượng lao động toàn khu vực.
Vấn đề trên đặt ra thách thức đối với các chính phủ châu Á đang tìm cách chuyển sang nền kinh tế carbon thấp và gia tăng tỷ lệ lao động trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo.
Amina Maharjan, một chuyên gia thuộc tổ chức phi lợi nhuận International Centre for Integrated Mountain Development, nhấn mạnh điều quan trọng là phải đảm bảo những lao động phi chính thức không mất đi sinh kế truyền thống của họ.
Ví dụ, ở các quốc gia phụ thuộc vào than như Ấn Độ và Indonesia , nhiều người dân địa phương vẫn kiếm sống từ khai thác than - công việc sắp biến mất khi thế giới đẩy mạnh nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và hạn chế biến đổi khí hậu.
Theo chuyên gia Maharjan, người lao động cần được hỗ trợ để được hưởng lợi từ những công việc trong các lĩnh vực mới, thân thiện với môi trường như năng lượng Mặt Trời hoặc giao thông sạch.
Một số nước đang phát triển cho biết họ sẽ phải vật lộn trong quá trình chuyển đổi mà không có sự hỗ trợ quốc tế về cả tài chính và công nghệ. Bên cạnh đó, lực lượng lớn lao động phi chính thức có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực chuyển đổi./.