Lao động thử việc cũng được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tiền hỗ trợ người lao động (NLĐ) thuê trọ áp dụng với tất cả các diện hợp đồng lao động, gồm cả hợp đồng thử việc.

Cục trưởng Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) Vũ Trọng Bình cho biết, Chính phủ vừa ban hành Quyết định 08/2022/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm. Với hai mức hỗ trợ là 500 nghìn đồng và 1 triệu đồng/người/tháng.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong, ông Vũ Trọng Bình cho biết, để được hỗ trợ tiền thuê trọ, NLĐ chỉ cần có giao kết làm việc, kể cả hợp đồng thử việc. Về thủ tục xác nhận tham gia BHXH vừa kèm theo danh sách trả lương, theo ông Bình, sử dụng dữ liệu BHXH là một cách để ngăn chặn hành vi trục lợi chính sách.

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, khi nghiên cứu đề xuất các thủ tục triển khai chính sách cũng phải tính toán giữa việc đơn giản thủ tục nhất có thể, vừa phải ngăn trục lợi chính sách. Do đó, ngoài các thủ tục NLĐ tự khai và chịu trách nhiệm, còn có trách nhiệm của DN, BHXH, địa phương xác minh, kết hợp với đối soát với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công An. Ngoài ra, tiền hỗ trợ không trả 1 lần, chỉ trả theo tháng, tránh trường hợp nhận hỗ trợ xong nhảy việc đi doanh nghiệp khác lại xin hỗ trợ tiếp.

Bộ LĐ-TB&XH tính toán có khoảng 3,4 triệu NLĐ được hỗ trợ tiền thuê trọ, với tổng số tiền không quá 6.600 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh (giữa) kỳ vọng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ sẽ giúp thu hút người lao động trở lại thành phố, các khu công nghiệp.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh (giữa) kỳ vọng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ sẽ giúp thu hút người lao động trở lại thành phố, các khu công nghiệp.

Thiếu tướng Nguyễn Bạch Đằng, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho hay, NLĐ muốn nhận hỗ trợ phải cung cấp chứng minh thư, căn cước công dân. Do đó, chính quyền cấp huyện, tỉnh có thể đối chiếu với kho Dữ liệu quốc gia về dân cư để rà soát, tránh 1 người có thể gửi hồ sơ hỗ trợ nhiều nơi, nhiều lần. Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương trong quá trình triển khai chính sách và sử dụng dữ liệu dân cư.

Còn đại diện BHXH Việt Nam chia sẻ, ngành đã họp để hướng dẫn triển khai các công việc liên quan, đảm bảo việc xác nhận danh sách NLĐ thuận lợi, đẩy mạnh giải quyết thủ tục theo hình thức điện tử, hạn chế hồ sơ giấy. Trong khi đó, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các địa phương khi chuyển tiền hỗ trợ NLĐ tới doanh nghiệp cần thông báo với tổ chức công đoàn cơ sở để nắm và giám sát quá trình chi trả.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá: "Việc hỗ trợ tiền thuê trọ cũng là cách để NLĐ yên tâm trở lại các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm để làm việc, hỗ trợ một phần khó khăn lúc ban đầu. Từ đó, góp phần khôi phục thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN trong giai đoạn phục hồi hiện nay”.

Cũng theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, đã có hơn 24 triệu NLĐ bị ảnh hưởng, trong đó có 2,3 triệu người mất việc, hơn 12,4 triệu người phải tạm nghỉ việc; khoảng 8,8 triệu người giảm giờ làm; khoảng 16,9 triệu NLĐ bị giảm thu nhập.

Theo Quyết định 08 của Chính phủ, hỗ trợ tiền thuê trọ có 2 mức, tối đa 3 tháng, chi trả theo từng tháng.

Cụ thể, mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng áp dụng với NLĐ đang làm việc tại DN phải thuê nhà trọ trong thời gian từ ngày 1/2 - 30/6/2022, có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên có hiệu lực trước ngày 1/4/2022.

Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng với NLĐ quay trở lại thị trường lao động phải thuê nhà trọ trong thời gian từ 1/4 – 30/6/2022, có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên được ký và có hiệu lực trong cùng khoảng thời gian này.

Ngoài ra, trong cả 2 trường hợp trên, NLĐ phải đáp ứng thêm 1 trong 2 trường hợp: Đang tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm DN lập danh sách đề nghị hỗ trợ; hoặc NLĐ không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc theo quy định (hoặc mới được tuyển) phải có tên trong danh sách trả lương của DN.

NLĐ đang thuê trọ có đơn đề nghị theo mẫu của Quyết định 08 có xác nhận chủ nhà trọ và gửi DN. DN tổng hợp và niêm yết danh sách tại nơi làm việc, sau đó gửi xác nhận của cơ quan BHXH, tiếp đó gửi UBND cấp huyện xét duyệt và trình cấp tỉnh quyết định chi trả hỗ trợ. Tiền hỗ trợ sẽ được chuyển về DN để chi trả tới NLĐ theo từng tháng (không chỉ trả một lần). Tổng thời gian từ khi công bố danh sách NLĐ tại DN tới khi có quyết định hỗ trợ tối đa 9 ngày làm việc.

Chính sách chỉ áp dụng với NLĐ làm việc trong DN đóng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; vùng kinh tế trọng điểm gồm các tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, TPHCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang.

Lê Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lao-dong-thu-viec-cung-duoc-ho-tro-tien-thue-nha-tro-post1427132.tpo