Lao động trong các doanh nghiệp ở Bình Dương trở lại làm việc ổn định
Ngày 30/1, nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương ra quân sản xuất đầu năm với tình hình lao động trở lại làm việc khá ổn định.
Tại nhà máy Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yazaki EDS Việt Nam, ngày 30/1, doanh nghiệp ra quân sản xuất đầu năm với hơn 7.000 công nhân đã trở lại làm việc đầy đủ với tỷ lệ đạt gần 100%.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yazaki EDS Việt Nam, bà Phạm Thị Tuyết Nhung cho biết, khai trương hoạt động đầu năm với số lượng công nhân lao động trở lại làm việc đông đủ, đã giúp bảo đảm 100% dây chuyền sản xuất của công ty đều hoạt động đúng theo kế hoạch đã đề ra.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yazaki EDS Việt Nam là doanh nghiệp Nhật Bản chuyên sản xuất dây dẫn điện ô-tô đầu tư tại Bình Dương năm 1995, hiện doanh nghiệp có hơn 7.000 công nhân lao động với mức lương tháng bình quân 8,7 triệu đồng/người.
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, công ty tổ chức nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người lao động, ngoài thưởng lương tháng 13 bằng 1,5 tháng lương, công ty tiếp tục duy trì việc tổ chức xe đưa người lao động có nhu cầu về quê đón Tết; tổ chức đón vào; đồng thời, Công đoàn cơ sở công ty cũng tặng quà Tết cho đoàn viên, người lao động...
Chăm lo người lao động với chính sách đãi ngộ tương xứng, ngay từ đầu năm, đông đảo người lao động đã trở lại làm việc đầy đủ, thể hiện tinh thần, trách nhiệm và sự gắn bó với doanh nghiệp.
Tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), đến sáng 30/1, toàn bộ hơn 500 công nhân công ty đã trở lại làm việc đầy đủ.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường phù hợp và hiện đang xuất khẩu sang các nước, trong năm 2022 tuy điều kiện chung có nhiều thách thức nhưng Unifarm vẫn ổn định, tạo việc làm và bảo đảm các chế độ, chính sách cho hơn 500 công nhân lao động.
Trong ngày khai trương, khí thế sản xuất tại Unifarm rất phấn khởi khi hơn 500 công nhân lao động tiếp thu lời chúc Tết, động viên của lãnh đạo công ty để năm mới tiếp tục hoàn thành tất cả các dự án nông nghiệp đang triển khai, phấn đấu đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, tính đến 16 giờ ngày 30/1, số doanh nghiệp tại tỉnh trở lại hoạt động khoảng 87%, số lao động trở lại làm việc/tổng số lao động đạt 86%.
Theo đó, đối với ngoài khu công nghiệp có số doanh nghiệp trở lại hoạt động đạt khoảng 86%, số lao động trở lại làm việc/tổng số lao động đạt tỷ lệ 83,5%; còn trong các khu công nghiệp có số doanh nghiệp trở lại hoạt động đạt khoảng 88%, số lao động trở lại làm việc/tổng số lao động đạt tỷ lệ 89%.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng số lượng lớn lao động đã trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao như: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp-CTCP với 1.896/1.896, đạt 100% lao động trở lại làm việc; Công Ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao-su Dầu Tiếng với 4.323/4.323, đạt 100% lao động trở lại làm việc; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kỹ Nghệ Gỗ Hoa Nét có 4.300/4.400 lao động trở lại làm việc, đạt 97%; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giày Vĩnh Nghĩa có 2.386/2.640 lao động trở lại làm việc, đạt 90%...
Đánh giá tình hình lao động trở lại làm việc sau Tết Quý Mão 2023, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho rằng: Tình hình lao động trở lại làm việc tại doanh nghiệp vào ngày đầu năm tương đối ổn định; đa số tại các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại, người lao động quay trở lại làm việc đạt hơn 80%, đáp ứng được dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp và sẽ không có biến động lớn về lao động (dưới 6% lao động không trở lại làm việc tại doanh nghiệp cũ); qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Lý giải số doanh nghiệp, lao động chưa trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Phạm Văn Tuyên cho rằng, đa số doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh trở lại vào ngày 30/1 nhưng vẫn có một số doanh nghiệp sẽ hoạt động trở lại từ ngày 1/2 đến 15/2/2023.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mới trở lại hoạt động ở khối văn phòng, khối kỹ thuật, khởi công lấy ngày tốt; một số doanh nghiệp nghỉ bảo dưỡng theo chu kỳ hằng năm. Ngoài ra, còn một số lao động chưa vào với lý do: quê ở xa chưa vào kịp, một số lao động được công ty bố trí thời gian nghỉ phép năm gắn liền với nghỉ Tết, nghỉ chế độ thai sản,...
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương chia sẻ, theo khảo sát, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong quý I/2023 khoảng hơn 10.000 lao động, bao gồm nhu cầu tuyển dụng lao động mới và tuyển bù đắp số lượng lao động không trở lại làm việc; trong đó tuyển mới chiếm khoảng 35%, chủ yếu để bù đắp số lao động không trở lại làm việc (khoảng 80% là lao động phổ thông nhưng sẽ yêu cầu kinh nghiệm hoặc có tay nghề). Ngành nghề chủ yếu vẫn là may mặc, giầy da và một số ngành khác như điện tử, cơ khí, ngũ kim và một số ngành dịch vụ...
Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đầu năm tại Bình Dương với số lượng lớn như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn New Wide Việt Nam tuyển 940 lao động, Công ty May Esprinta Việt Nam tuyển 500 công nhân may có tay nghề, Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Accasette tuyển 200 công nhân may có tay nghề, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giant Manufacturing Việt Nam tuyển 200 lao động phổ thông chưa có tay nghề sẽ được đào tạo và một số vị trí văn phòng, phiên dịch, kỹ sư đến từ các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khác…