Lao động Việt xứ người ăn Tết trong nghẹn ngào
Dù không được ăn Tết ở quê nhà, nhưng những ngày này lao động Việt đang làm việc ở nước ngoài vẫn tổ chức đón Tết đậm chất truyền thống với bánh chưng, muối hành, mâm ngũ quả và đào quất…trong nghẹn ngào.
Anh Trần Văn Thiện (Yên Thế, Bắc Giang) lao động đã làm việc ở Nhật tâm sự, những ngày này, mỗi khi nhìn hình ảnh bạn bè chia sẻ trên Facebook cảnh sắm Tết nhộn nhịp, anh lại có chút chạnh lòng. Hơn 3 năm sang Nhật, anh chưa lần nào về quê ăn Tết.
Do vậy, những dịp này, mặc dù công ty vẫn có lịch làm việc nhưng anh và nhiều lao động Việt xin nghỉ phép để tổ chức tất niên sau một năm làm việc vất vả.
“Công ty hiểu được văn hóa nên vui vẻ chấp thuận và tặng bánh chưng, cùng các gia vị cho công nhân ăn Tết. Trong phòng trọ của lao động, dịp này đều có bánh chưng, giò chả, mâm ngũ quả và đào quất…”, anh Thiện chia sẻ.
Tại Nhật, những chương trình văn hóa, gặp mặt cuối năm cũng được kiều bào và người lao động ở đây tổ chức. Không khí Tết rộn rã trên mọi nẻo đường và các khu phố nơi có đông người Việt sinh sống.
Anh Lê Viết Bảo (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, năm nay anh tham gia chương trình chào đón Tết Canh Tý 2020 tại Chùa Việt Nam – Kanawaken. Từ ngày 20 Âm lịch, nhiều lao động Việt tập trung về đây cùng nhau ăn Tết và cầu an đầu năm. Mặc dù đón ở Tết xứ người nhưng những nét văn hóa truyền thống của Tết Việt vẫn được mọi người gìn giữ.
“Bánh chưng, hoa mai, hoa đào…cùng tà áo dài và các ca khúc đón xuân đều xuất hiện trong buổi gặp mặt. Ăn Tết trên đất Nhật nhưng cứ ngỡ như trên quê của mình”, anh Bảo nói.
Tại Hàn Quốc, truyền thống ăn Tết Nguyên đán giống Việt Nam nên người lao động trong những ngày này cũng được phép nghỉ. Anh Võ Công Kiên (Hương Khê, Hà Tĩnh) tâm sự, cứ đến tối 30 Tết, anh em trong công ty tập trung ăn Tết tại nhà trọ, hoặc ký túc xá. Thông thường, mỗi lao động góp khoảng 500-700 nghìn đồng để tổ chức Tết. Một số món ăn truyền thống có thể tự làm như thịt lợn đông, giò chả, cải bắp, su hào muối…Còn bánh chưng được đặt trên mạng với giá khoảng 200 nghìn đồng/chiếc.
“Bữa cơm tất niên toàn món ăn ở quê. Những thứ sang đây đều hiếm và đắt đỏ nhưng anh, em đều cố gắng sắm sửa đầy đủ đế tạo chút không khí Tết”, anh Kiên chia sẻ.
Tại Đài Loan, nơi có hàng trăm nghìn lao động làm việc ở đây cũng đang tất bật trong không khí đón Tết. Anh Nguyễn Xuân Thắng (Diễn Châu, Nghệ An) sang Đài Loan làm công nhân được 5 năm nay cho biết, cứ mỗi dịp này anh em lao động lại tập trung về một nơi ăn Tết. Người sắm đào, người sắm mâm ngũ quả, bánh kẹo… Tất cả góp gạo thổi cơm chung để tổ chức đón Tết.
Theo anh Thắng, dù không được trọn vẹn như ở quê nhà, nhưng với những bạn bè đồng hương và các món ăn truyền thống, phần nào vơi bớt nỗi nhớ không khí Tết ở quê.
Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, để đảm bảo đời sống tinh thần của người lao động ở nước ngoài, Cục yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết như bánh chưng, cà phê, báo Tết… cho người lao động mà công ty phái cử. Ngoài ra, các doanh nghiệp cắt cử cán bộ trực 24/24 cả trong và ngoài nước để xử lý những phát sinh (nếu có).
Tại những nước có đông lao động đông đi làm việc như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…Ban quản lý lao động sẽ phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam, chính quyền địa phương và doanh nghiệp để tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ cho người lao động xa quê, để người lao động cảm thấy an tâm, ấm áp.
Theo ông Nam, nếu đời sống tinh thần của lao động những dịp Tết được chăm lo, quan tâm, sẽ góp phần hạn chế những vụ việc phát sinh xảy ra, giúp lao động yên tâm làm việc.