Lao động xa quê hướng về Tết dân tộc
Dù đón tết ở xứ người nhưng những lao động người Việt ở khắp nơi trên thế giới vẫn luôn hướng về quê cha đất Tổ với nhiều hoạt động mang đậm văn hóa quê hương
Vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, cộng đồng người Việt tham gia cuộc thi gói bánh chưng, bánh tét và trang trí, trưng bày với chủ đề tết Việt. Cuộc thi nằm trong chuỗi hoạt động mừng Xuân Nhâm Dần do Đại sứ quán, Ban Liên lạc Cộng đồng người Việt Nam và Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore phối hợp tổ chức nhằm giữ gìn và phát huy nét văn hóa Việt, giúp gia tăng sự gắn kết, đoàn kết trong cộng đồng người Việt tại đảo quốc sư tử.
Nhớ nhà da diết
Các hoạt động tương tự như trên cũng diễn ra khắp nơi trên thế giới, nơi có những người con đất Việt đang học tập, làm việc và sinh sống. Ở bất cứ nơi đâu, mỗi độ tết đến xuân về, những người con xa xứ đều hướng về quê cha đất Tổ, hướng về gia đình, ba mẹ, người thân của mình với bao niềm mong ước sum vầy, đoàn viên. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người Việt đi lao động ở nước ngoài phải đón tết xa nhà.
Anh Nguyễn Tất Thắng hiện đang làm việc tại thành phố Deagu, miền trung Hàn Quốc cho biết những ngày cận tết là những ngày nôn nao nhớ về quê hương. Sinh ra ở vùng đất Quảng Bình nắng gió, năm nay 30 tuổi, anh Thắng đã có 5 năm làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Trong 5 năm qua, anh Thắng chỉ về Việt Nam đón tết cùng gia đình được một lần vào năm 2019. Đó cũng là cái Tết mà anh đã mang về cho gia đình khoản tiền đủ để trả hết khoản nợ vay ngân hàng lúc anh làm lộ phí sang Hàn Quốc làm việc.
"Tôi đón 3 cái tết ở Hàn Quốc rồi và năm nay sẽ là cái tết thứ 4 tôi ăn tết xa nhà. Tết đến, ai cũng nôn nao muốn về nhà nhưng dịch bệnh đang phức tạp nên tôi và rất nhiều đồng hương năm nay không về được. Chúng tôi đều sinh hoạt trong cộng đồng người Việt ở Deagu và năm nào cũng tổ chức tất niên, thăm hỏi nhau dịp tết như tết Việt quê mình. Ở Hàn Quốc họ cũng ăn tết âm lịch như ở Việt Nam nên những ngày tết chúng tôi cũng được nghỉ, được tặng quà, được thưởng tết như ở Việt Nam" – anh Thắng cho biết.
Anh Thắng kể vừa rồi đã gửi một ít tiền về cho mẹ để mua sắm Tết, sơn sửa lại căn nhà vì đợt rồi các cháu ở trong miền Nam về nhiều do dịch bệnh. Nhà anh Thắng đông anh em nhưng năm nào cũng không đầy đủ do mỗi người làm việc mỗi nước, ở Việt Nam thì cũng đi làm ăn xa. "Tôi biết ba mẹ tôi buồn nhưng rất thông cảm cho tương lai của các con. Thường ba mẹ tôi chẳng bao giờ hỏi con có về tết hay không mà chỉ căn dặn giữ gìn sức khỏe và làm việc cho thật tốt. Được cái ba mẹ tôi sức khỏe còn tốt, đời sống cũng tươm tất hơn thời anh chị em tôi còn nhỏ"- anh Thắng nói thêm.
Khác với anh Thắng, anh Lê Trọng Nhất Quân hiện đang làm tại tỉnh Aichi (Nhật Bản) cho biết dịp tết cổ truyền của Việt Nam thì ở Nhật vẫn làm việc bình thường vì Nhật không ăn tết âm lịch dù cũng là một nước châu Á. Năm nay là cái tết thứ 3 anh Quân không đón tết cùng gia đình trong 26 năm có mặt trên đời.
"Cứ dịp này là nhớ nhà da diết, gần như ngày nào cũng gọi về nhà xem ba mẹ sắm sửa tết ra sao. Quê tôi ở miền bắc nên tết rất quan trọng việc các con phải về nhà nhưng 3 năm nay tôi không thể về vì công việc. Năm sau, tôi nhất định sẽ bù đắp cho ba mẹ một cái tết đủ đầy sau khi hoàn thành hợp đồng thực tập sinh" – Quân nhắn nhủ.
Vẫn muốn về nhà
Chị Lý Thu Hồng (25 tuổi, quê Củ Chi, TP HCM) hiện đang học tập và làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức thì cho biết đây là cái tết thứ 2 chị ăn tết ở xứ người. Hai năm dịch bùng phát khiến kế hoạch về quê thăm gia đình, đón tết vui xuân bị hủy bỏ. Là con gái, lại sống cách xa nhà gần mười ngàn cây số, thời tiết lạnh quanh năm khiến chị Hồng luôn nhớ nhà.
Vừa học vừa làm nên tôi cũng chẳng có nhiều thời gian nhưng cứ về phòng là nhớ nhà. Tôi treo đủ ảnh các thành viên gia đình tôi để ngắm mỗi khi về phòng. Cứ lễ tết, lên mạng xã hội thấy bạn bè đăng ảnh về nhà làm tôi buồn tủi vô cùng. Năm trước tôi khóc rất nhiều khi gọi nói chuyện với gia đình, năm nay chắc cũng vậy. Ba mẹ động viên rất nhiều, gọi cho tôi khi đã là 3 giờ sáng giờ Việt Nam, bày cho tôi nấy các món ngày tết qua videocall… nhưng tôi vẫn muốn có mặt ở nhà hơn là thui thủi một mình" – chị Hồng xúc động kể.
Chị kể, ở khu vực chị sinh sống, cũng có vài gia đình người Việt, họ cũng mời chị và những người Việt ở gần khu vực dự lễ tất niên. "Họ cũng làm các món ăn truyền thống như ở Việt Nam, có bánh chưng, thịt kho tàu, bánh mức đủ cả, có cả hoa đào, hoa mai. Các chị, các mẹ cũng mang áo dài truyền thống, cũng được lì xì với những phong bao màu đỏ rất đẹp. Nhưng tất cả đều diễn ra ở nơi xa xứ, cố gắng để sum vầy nhưng nếu được chọn, tôi vẫn muốn tết là có mặt ở nhà cha mẹ mình hơn" – chị Hồng kể thêm.
Có lẽ không chỉ chị Hồng, anh Quân, anh Thắng, hàng triệu người con đất Việt trên khắp năm châu đều mong muốn sống trong không khí gia đình trong những ngày tết. Đó là nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Dù là ai, ở đâu, làm gì thì tết cổ truyền vẫn thời khắc quan trọng nhất trong năm để mọi người con đất Việt hướng về quê cha đất Tổ với mong ước sum vầy, với cầu mong bình an, làm ăn tiến tới trong năm mới.
Tạo thuận lợi cho kiều bào về quê đón tết
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa đồng ý chủ trương tạo thuận lợi về thủ tục nhập cảnh đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân về nước đón tết vui xuân. Đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân mang giấy tờ nhập cảnh hợp lệ (thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thị thực, giấy miễn thị thực còn giá trị) được nhập cảnh Việt Nam theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam mà không phải làm lại thủ tục kiểm tra nhân sự, cấp thị thực/giấy miễn thị thực, không cần xin phê duyệt chủ trương nhập cảnh của bộ, ngành, địa phương.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/lao-dong-xa-que-huong-ve-tet-dan-toc-20220127095746997.htm