Lào hướng tới trở thành nhà cung cấp năng lượng xanh cho khu vực
Nằm trong xu hướng phát triển năng lượng sạch, Chính phủ Lào đang chú trọng phát triển năng lượng tái tạo nhằm không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu, hướng tới việc trở thành nhà cung cấp năng lượng xanh của khu vực Đông Nam Á.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, để hiện thực hóa mục tiêu này, tối 13/11, tại thủ đô Viêng Chăn, đã diễn ra lễ ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về nghiên cứu khả thi việc phát triển các nhà máy điện gió tại tỉnh Savannakhet, dự án trạm biến áp và đường truyền tải 500kV kết nối các nhà máy điện năng lượng tái tạo ở tỉnh Savannakhet, Trung Lào với các nước láng giềng giữa đại diện Chính phủ Lào và Công ty TNHH Tài nguyên Tái tạo và Đầu tư Naseng Wayo, một công ty được thành lập tại Lào, liên kết với UPC Renewables của Mỹ.
Theo MOU nói trên, các công ty Naseng-Wayo và UPC Renewables được Chính phủ Lào phê duyệt việc nghiên cứu và tìm hiểu khả năng phát triển các dự án năng lượng gió ở các huyện Phin, Vilabouly và Atsaphone tại tỉnh Savannakhet, phát triển các trạm biến áp 500kV và đường dây truyền tải điện kết nối tới các nước láng giềng phục vụ cho mục đích mua bán điện.
Đây chỉ là một trong nhiều dự án năng lượng tái tạo được Chính phủ Lào ký với các đối tác phát triển trong những năm gần đây nhằm phát triển năng lượng sạch, phục vụ mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và đáp ứng mục tiêu nhằm giảm mức phát thải khí nhà kính của nước này xuống bằng 0 vào năm 2050.
Cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cũng đã tham dự buổi lễ lắp đặt turbine đầu tiên của Dự án điện gió gió mùa công suất 600MW, tại huyện Dakcheung, tỉnh Xekong, Nam Lào, tiếp giáp với Việt Nam. Đây là nhà máy điện gió được cho là có quy mô lớn nhất Đông Nam Á hiện nay với 133 turbine gió, chi phí đầu tư ước khoảng 900 triệu USD.
Dự kiến, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2025, đây sẽ là dự án năng lượng tái tạo đầu tiên được cung cấp xuyên biên giới tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi điện sản xuất tại nhà máy này sẽ được xuất khẩu.
Thủy điện hiện chiếm khoảng 70% tổng sản lượng điện ở Lào và quốc gia này có khoảng 10 dự án điện gió trên đất liền với tổng công suất thiết kế 3,6 GW đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Là quốc gia nội lục, Lào có chính sách năng lượng định hướng xuất khẩu và nước này hiện là một trong những nhà xuất khẩu thủy điện lớn nhất châu Á.
Khoảng 80% điện năng sản xuất tại Lào hiện nay được bán cho các nước láng giềng là Thái Lan và Việt Nam. Năm 2022, Lào cũng đã bắt đầu xuất khẩu điện sang Singapore và tháng 1/2023, đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng truyền tải để bán điện cho Campuchia.