Lão nông câu cá vớt được 'rùa lạ', không ngờ là bảo vật hơn 3.000 năm
Ông lão này không thể ngờ rằng con rùa bất động mà ông vớt được khi câu cá lại là bảo vật hơn 3.000 năm, cực kỳ quý hiếm trên đời.
Câu cá tìm thấy "vật thể lạ" đáng giá cả gia tài hóa ra là có thật. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng.
Theo đó, vào năm 2003, hình ảnh một ông lão sống tại thành phố Lạc Dương, thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đi câu cá ở bờ sông An Dương đã rất quen thuộc với người dân trong vùng. Đây là sở thích của ông sau khi về hưu. Do đó, ông thường ngồi bên bờ sông gần như cả ngày.
Tuy nhiên, một ngày nọ, ông lão bất ngờ câu được một con cá lớn sau khi hạ lưỡi câu xuống. Ông đã phải mất rất nhiều công sức mới kéo được con vật này lên bờ. Nhưng đó không phải là cá. Nhìn từ xa, nó giống như một con rùa lớn. Tuy nhiên, sau khi xem kỹ, ông lão phát hiện con rùa này không chuyển động. Nó thực chất là một khối sắt hay đồng hình con rùa và điều đặc biệt là trên mai có cắm 4 mũi tên ngắn.
Ngoài ra, trên lưng của con vật này còn có chữ cổ. Ông lão không biết chữ cổ trên lưng con rùa này là gì nhưng cho rằng nó có thể là một vật trang trí bị bỏ rơi. Do ở dưới sông nên nó đã bị rỉ sét.
Đắn đo suy nghĩ, cuối cùng ông lão đành mang con rùa bằng kim loại mà ông câu được về nhà và đặt nó vào một góc.
Cùng năm 2003, khi biết thông tin về Cục Di sản Văn hóa thu hồi những bảo vật, di vật văn hóa bị thất truyền, ông đã đưa con rùa câu được ở sông đến để nhờ các chuyên gia thẩm định.
Ngay khi nhìn thấy con rùa mà ông lão mang đến, các chuyên gia đã phỏng đoán đây không phải là vật tầm thường. Đôi mắt của con vật mở to, tứ chi duỗi thẳng về phía sau, mô tả sinh động sự hoảng loạn, vùng vẫy và khát khao sống trong tuyệt vọng của nó.
Kết quả, sau khi tiến hành kiểm tra kỹ càng, các chuyên gia xác định rằng, đây là một con giải (thuộc chi rùa mai mềm), là một đồ vật bằng đồng được làm vào cuối triều đại nhà Thương (khoảng từ năm 1766 TCN – 1122 TCN). Chữ khắc trên mai của con vật này là Giáp cốt, kiểu chữ thời nhà Thương.
Ông lão tò mò hỏi các chuyên gia: "Con rùa bằng đồng này đáng giá bao nhiêu?"
Một vị chuyên gia lắng nghe câu hỏi của ông lão, suy nghĩ một lúc rồi trả lời rằng: "Đây là đồ cổ thời nhà thương, hiện tại trị giá khoảng 1,8 tỷ NDT (tương đương với gần 6.000 tỷ đồng). Cần câu của ông đã bắt được 1,8 tỷ NDT đấy".
Ông lão nghe xong liền sửng sốt, chỉ một "khối đồng" rỉ sét mà có giá trên trời như vậy. Đây quả là việc quá sức tưởng tượng của ông lão có niềm vui câu cá mỗi ngày này.
Tuy nhiên, câu nói tiếp theo của vị chuyên gia đã đưa ông lão trở lại thực tế. Đó là vì di vật văn hóa bằng đồng này cực kỳ quý giá. Văn tự ghi lại trên đó rất hữu ích với các chuyên gia trong việc nghiên cứu lịch sử của nhà Thương. Do đó, các chuyên gia hy vọng ông lão có thể bàn giao lại cổ vật này. Đương nhiên, Cục Di sản Văn hóa sẽ có một số tiền xứng đáng nhất định cho ông lão.
Sau khi nghe được điều này và tiến hành thương lượng, ông lão đã tự nguyện bàn giao lại món đồ bằng đồng có niên đại ít nhất hơn 3.000 năm cho cơ quan này.
Ông lão rất vui vì đã tìm được một bảo vật quý hiếm như vậy. Hiện, bức tượng hình con giải với các mũi tên cắm trên mai đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc.
Chữ khắc trên lưng bức tượng là gì?
Sau khi tiến hành khôi phục và giải mã những chữ khắc trên con giải bằng đồng này, các chuyên gia đã tìm ra nguồn gốc của bức tượng và một câu chuyện lịch sử có thật thời nhà Thương.
Theo đó, chữ khắc trên thân bức tượng cho thấy thông tin về nghi lễ săn bắn vào thời Trụ Vương, vị vua cuối cùng của nhà Thương.
Trụ Vương thích săn bắn và thường tới khu vực ở gần sông An Dương. Tuy nhiên, do con giải là loài vật có kích thước lớn, sống gần sông hồ nên không dễ để săn bắt.
Một hôm nọ, khi đi săn, Trụ Vương nhìn thấy một con giải lớn nên đã gương cung bắn 4 mũi tên liên tiếp. Bốn mũi tên này đều trúng con giải và chúng bị mắc kẹt ở trên mình và trên mai của nó.
Sau khi trở về cung, để kỷ niệm cuộc đi săn đầy ý nghĩa này, Trụ Vương đã lệnh cho các nghệ nhân làm một bức tượng bằng đồng hình con giải và có đúc 4 mũi tên lên trên. Ngoài ra, những nghệ nhân này còn nhận được lệnh khắc chữ để kể về quá trình đi săn của ngày hôm đó trên mai của con vật. Chữ khắc trên mai của bức tượng đồng cho thấy Trụ Vương là một vị vua có tài bắn cung.
Chữ khắc và cả bức tượng bằng đồng này là một nguồn tư liệu sống động giúp các chuyên gia, nhà nghiên cứu hiểu hơn về triều đại nhà Thương, tồn tại cách đây ít nhất hơn 3.000 năm.
Nguồn: Sohu, Toutiao