Lão nông chất đống hơn 500 mâm gỗ trong nhà, cả năm chỉ Tết mới mang ra dùng
Suốt mấy chục năm qua, người đàn ông ấy cứ đi khắp nơi lượm lặt, sưu tầm những chiếc mâm gỗ về chất đống trong nhà, chỉ đến Tết mới lấy 1-2 chiếc ra dùng.
Món đồ gắn liền với tuổi thơ
Hơn 30 năm qua, ông Đào Nhất Hoa (57 tuổi, ở thôn Trung, xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) bị dân làng gọi nửa đùa nửa thật là “Hoa hâm”, “Hoa dở”… chỉ vì sở thích sưu tầm mâm gỗ của ông. Cái thứ ấy, ở các miền quê bây giờ chẳng ai còn dùng thì ông lại cất công đi tìm, xin, mua, có khi bay vào tận miền Nam để mang về.
Ông Hoa bên những chiếc mâm gỗ mà ông sưu tầm được
Chúng tôi đến nhà ông Hoa vào dịp cuối năm 2023. Ngay từ ngoài sân đã có thể nhìn thấy rất nhiều đồ vật gần gũi, gắn bó với vùng nông thôn Bắc Bộ xưa như: cối đá, bình vôi, chum, vại sành, bát đĩa sành…
Bước vào trong nhà, la liệt mâm gỗ, nồi đồng, mâm đồng, bình tông… hiện ra. Ngôi nhà cấp 4, diện tích nhỏ nên không gian bài trí cũng rất hãn hữu. Còn dưới bếp là rất nhiều mâm gỗ, bát đĩa cổ xếp chồng lên nhau.
Ông Hoa bảo: “Tôi thích sưu tầm những đồ vật gắn liền với làng quê Bắc Bộ xưa, nhất là mâm gỗ. Hiện tôi có hơn 500 mâm gỗ nhưng vì nhà chật quá nên cứ xếp tạm chúng ở đó, khi nào có cơ hội thì mình sẽ trưng bày sau”.
Bộ sưu tập mâm gỗ của ông Hoa hiện có hơn 500 chiếc
Chia sẻ về sở thích sưu tầm mâm gỗ cổ của mình, ông Hoa cho biết, đây là một món đồ gắn liền với tuổi thơ của ông.
Khi còn bé, gia đình ông thường xuyên ăn cơm bằng mâm gỗ. Mâm cơm chỉ có rau, dưa cà, mắm muối nhưng chứa chan bao nhiêu tình cảm gia đình. Hay hình ảnh mâm cơm nhà cụ ngoại, nơi ông thường lui tới “ăn chực” cũng để lại cho ông nhiều kỷ niệm.
Những chiếc mâm gỗ gợi lại những ký ức về bữa cơm gia đình ngày xưa
Sau này, khi mâm đồng, mâm nhôm hay bàn ăn xuất hiện… những chiếc mâm gỗ dần lui vào dĩ vãng. Hầu hết, các gia đình coi mâm gỗ là đồ vứt đi, có khi mang làm củi nấu hay làm khay đựng thức ăn cho gia súc, gia cầm… Điều này khiến ông Hoa cứ đau đáu nỗi niềm.
Khoảng đầu những năm 90, khi đi bộ đội về, ông Hoa ở nhà lập nghiệp, sau đó đi tìm trong làng xin 1-2 chiếc mâm gỗ về treo trong nhà. Thấy hay hay, ông bắt đầu đi sưu tầm.
Ngoài mâm gỗ, ông Hoa còn sưu tầm nhiều đồ vật khác như: nồi đồng, bình tông, gốm sứ…
Ban đầu, ông sưu tầm từ nhà người quen, họ hàng. Sau đó, ông chuyển sang nhà hàng xóm, láng giềng, trong thôn, ngoài xã… hễ nghe ở đâu, nhà ai có mâm gỗ là ông tìm đến.
Xa nhất, ông Hoa kể là ông vào tận Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh để sưu tầm mâm gỗ. Những chiếc mâm gỗ này chủ yếu do những người ngoài Bắc đi làm ăn xa, mang vào.
Lâu dần, bộ sưu tập mâm gỗ của ông từ vài chiếc đã lên đến hàng chục chiếc và bây giờ đã là hơn 500 chiếc. Chỗ treo trong nhà không có, ông đành xếp chồng chúng dưới bếp, trên gác nhà… cứ chỗ nào có khoảng trống là ông xếp mâm gỗ vào đó.
Những chiếc cối đá cổ được ông trưng bày trong nhà
Bà Lê Thị Chiêm (vợ ông Hoa) chia sẻ, lúc mới đi sưu tầm, ông mang những chiếc mâm gỗ về nhà xếp đống khiến căn nhà vốn đã bé lại càng thêm chật chội làm bà phát cáu, cũng có lúc nói lời khó nghe với chồng.
Tuy nhiên, khi thấy chồng thực sự tâm huyết, lặn lội khắp nơi mang mâm gỗ về, rồi bỏ hàng giờ lau chùi, ngắm nghía chúng thì bà cũng bắt đầu tôn trọng thú chơi của chồng.
Nhà chật, trong khi mâm gỗ nhiều nên hễ chỗ nào trống là ông Hoa xếp mâm gỗ lên
Dự định mở bảo tàng trưng bày mâm gỗ, đồ cổ
Ông Hoa chia sẻ, trong giới chơi đồ cổ hay thích sưu tầm hiện nay, người chơi mâm gỗ như ông rất hiếm. Một số người có thể sở hữu 1-2 chiếc nhưng để sở hữu số lượng lớn như ông thì chưa có ai.
“Một số người đã đến đặt vấn đề, ngỏ ý muốn mua lại toàn bộ mâm gỗ của tôi với số tiền khá lớn nhưng tôi không đồng ý. Nếu đến tham quan, giao lưu 1-2 chiếc thì tôi đồng ý, còn bán thì không”, ông Hoa nói.
Cầm từng chiếc mâm gỗ trên tay, ông Hoa có thể kể vanh vách về quá trình sưu tầm, mâm làm bằng chất gỗ gì. Chiếc mâm này có gì đặc biệt. Ông bỏ tiền mua hay được tặng...
Đa số các mâm gỗ của ông Hoa sưu tầm được đều là mâm trơn, đây là một chiếc hiếm hoi được chạm trổ.
Ông Hoa còn cẩn thận dán tên tuổi, xuất xứ của từng chiếc mâm lên lòng mâm. Nhìn cách ông kể, chúng tôi mới hiểu vì sao ông luôn trân trọng, nâng niu từng món đồ vật xa xưa ấy đến thế.
Chiếc mâm có giá trị nhất trong bộ sưu tập của ông Hoa đó là chiếc mâm gần 200 năm tuổi, ông sưu tầm lại từ một người đồng đội cũ ở Phú Thọ.
Thấy một chiếc mâm đã rất cũ, mục nát, chỉ còn một nửa mâm nhưng vẫn được ông Hoa trưng bày ở giữa nhà, chúng tôi tò mò. Ông Hoa kể, chiếc mâm này không phải cổ nhất nhưng lại là chiếc mâm ông kỳ công nhất để có được.
Chiếc mâm gỗ chỉ còn một nửa mà ông Hoa phải lặn lội xuống ao mò mới có được
“Chiếc mâm này tôi sưu tầm từ một gia đình ở trong làng. Bạn tôi kể, có cho bố vợ chiếc mâm gỗ để làm đồ xúc cám cho cá ăn. Tôi cùng bạn ra bờ ao nhà bố vợ tìm nhưng không thấy.
Biết là chiếc mâm đã bị rơi xuống ao, tôi cất công xuống mò, sục bùn gần nửa ngày trời mới thấy. Lúc mang lên thì chiếc mâm đã mục nhiều, dính đầy bùn đất. Tôi mang về rửa sạch, phơi khô rồi treo lên. Chiếc mâm này tính từ người đầu tiên sử dụng, đến nay chủ đầu tiên của chiếc mâm đã có gần 200 con, cháu, chắt”, ông Hoa chia sẻ.
Chủ nhân của những chiếc mâm gỗ cho biết thêm, dự định của ông trong tương lai sẽ là mở một bảo tàng tư nhân để trưng bày những chiếc mâm gỗ cũng như những đồ vật gắn liền với làng quê Bắc Bộ mà ông sở hữu.
Chất liệu chủ yếu của các mâm gỗ là gỗ mít và gỗ sung. Ông Hoa cẩn thận dán tên xuất xứ từng chiếc mâm để ghi nhớ
Hằng năm, thường có những tốp học sinh trường làng đến nhà ông Hoa tham quan, trải nghiệm và lắng nghe ông kể về lịch sử gắn liền với những đồ vật mà ông sưu tầm.
Bên cạnh đó, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán đến, ông Hoa lại chọn cho mình một chiếc mâm gỗ để làm đồ bày lễ cúng gia tiên. Gia đình ông cũng dùng một chiếc mâm gỗ để ăn cơm trong những ngày Tết. Chiếc mâm gỗ gợi nhớ cho ông những kỷ niệm thời còn nghèo khó nhưng thắm đượm tình cảm gia đình.