Lão nông kiên trì với cây lúa

Ông Hiệp vãi phân cho cánh đồng lúa của gia đình. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Hơn 20 năm kiên trì bám trụ với cây lúa, đến nay, gia đình ông Nguyễn Khắc Hiệp (SN 1965, ở thôn Phước Lộc 2, xã Hòa Thành, TX Đông Hòa) đã mở rộng diện tích canh tác lúa lên đến 5ha, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chuyên canh lúa

Nhiều năm qua, trong lúc phần lớn người dân trong vùng dần rời xa ruộng đồng, tìm cách chuyển đổi hoặc chuyển nghề vì trồng lúa thu nhập bấp bênh thì gia đình ông Nguyễn Khắc Hiệp lại có thể sống khỏe từ những chân ruộng. Tất cả nhờ tư duy phải làm lớn của ông.

Ông Hiệp chia sẻ: Sau khi xuất ngũ trở về từ Campuchia, tôi lập gia đình và bắt đầu bám trụ với cây lúa cho đến nay. Hồi đó diện tích nhỏ, vốn liếng ít nên chúng tôi làm với quy mô nhỏ, thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Đến khoảng năm 2014, khi người dân quanh vùng bắt đầu chán trồng lúa vì thu nhập không cao, giá bán bấp bênh thì tôi mua gom ruộng để mở rộng canh tác. Ban đầu vài sào, đến vài mẫu và đến nay đã được 5ha (cả ruộng mua và ruộng thuê). Theo ông Hiệp, so với các loại cây trồng khác, cây lúa dễ canh tác, chi phí đầu tư thấp, bảo quản sau thu hoạch cũng dễ dàng nên không sợ nhũng hàng, đổ bỏ… Đây chính là ưu điểm để ông bám trụ với cây lúa cho tới giờ. “Ngoài ra, khi trồng lúa, nếu mình làm nhỏ lẻ, manh mún, chi phí cao hơn hẳn; nhưng nếu mình gom được diện tích lớn, liên thửa thì việc canh tác sẽ rất thuận tiện, chi phí giảm đáng kể, mang lại lợi nhuận khá”, ông Hiệp cho biết thêm.

Với 5ha lúa, mỗi năm gia đình ông Hiệp canh tác 2 vụ mùa. Vụ 3, ông trồng giống Đà Nẵng chuyên chịu ngập vì thời điểm này thường mưa, đồng ngập. Bình quân, năng suất lúa của gia đình ông đạt khoảng 450kg/sào, tương đương sản lượng khoảng 90 tấn lúa thương phẩm/năm. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lợi khoảng 200 triệu đồng.

Theo ông Hiệp, để lúa có được năng suất cao như vậy, ngoài chất đất của vùng này thì nông dân phải biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào canh tác. Toàn bộ diện tích lúa của gia đình, ông Hiệp đều thực hiện sạ thưa. Mỗi sào, ông chỉ sạ khoảng 36kg lúa mầm tương đương gần 9kg lúa giống; đồng thời bón phân cân đối, hạn chế u rê để giữ mã lúa (vẻ ngoài của cây lúa - PV) có màu xanh sáng không quá đậm, được như vậy cây lúa sẽ ít bị dịch bệnh, ngã đổ. “Với cách chăm sóc cân đối nên ruộng lúa của gia đình ít khi nhiễm bệnh. Có vụ gặp thời tiết thuận lợi, toàn bộ diện tích canh tác không tốn chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật”, ông Hiệp nói.

Mở rộng ngành nghề

Khi diện tích lúa canh tác của gia đình ngày càng mở rộng, để giảm chi phí, giải phóng sức lao động, giúp nâng cao hiệu quả, ông Hiệp đầu tư máy móc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Hiện gia đình ông có 2 máy cày, 1 máy chuyển lúa. Toàn bộ việc cày bừa 5ha ông đều tự túc, không tốn nhiều chi phí thuê mướn như lúc trước.

Theo ông Hiệp, từ khi gia đình có máy móc, ông còn mở thêm dịch vụ cày đồng cho bà con. Mỗi vụ mùa, ông hợp đồng với HTX nhận diện tích đồng để cày thuê. Đặc biệt do có nhiều kinh nghiệm làm lúa, nhà lại ở giữa khu đồng, thuận tiện theo dõi việc cấp nước của thủy lợi nên ông nhận luôn việc lấy nước đồng cho nhiều người trong khu vực. Ông còn tổ chức nhân công từ 3-5 người nhận dịch vụ sạ giống, vãi phân thuê…

Với diện tích đồng lớn, nguồn phụ phẩm nông nghiệp nhiều nên gia đình ông Hiệp tận dụng đầu tư nuôi bò. Thời điểm bò có giá, gia đình ông nuôi 8 con, còn hiện nay khi bò mất giá, ông giảm đàn xuống còn 4 con. Ngoài ra, mỗi năm ông nuôi 2 lứa vịt đồng với 300 con vịt đẻ trứng và 500 con vịt thịt. Ông Hiệp cho biết ông phải tính toán thời điểm vào đàn thật chính xác để khi vịt vào kỳ phát triển mạnh nhất hoặc kỳ đẻ trứng sai nhất vừa đúng mùa đồng, lúc này sẽ cho vịt ăn đồng, không tốn chi phí thức ăn. Ngoài nguồn thu từ trồng lúa, mỗi năm từ chăn nuôi và làm dịch vụ nông nghiệp, gia đình thu nhập thêm khoảng 100 triệu đồng. “Nhà nông nếu biết tính toán, phối hợp giữa các ngành nghề với nhau thì sẽ mang lại nguồn thu nhập khá”, ông Hiệp tâm sự.

Nhờ nhạy bén trong làm ăn nên ông Nguyễn Khắc Hiệp đã xây dựng được mô hình sản xuất đa dạng, tạo thu nhập từ nhiều nguồn với lợi nhuận mang về hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Hiệp là tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương, nhiều lần được TX Đông Hòa tuyên dương.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thành Nguyễn Khắc Phong

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/280412/lao-nong-kien-tri-voi-cay-lua.html