Lão nông làm giàu từ một đơn hàng độc đáo
Nhờ một đơn hàng độc đáo được khách đặt cách đây hơn 20 năm, ông Lê Viết Tới vươn lên làm giàu với nghề mây tre mỹ nghệ, tạo việc làm cho hàng chục lao động.
Đơn hàng "gỡ khó" cho cơ sở mây tre truyền thống
Làng Câu Nhi, phường Điện An, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) là vùng trũng thấp, sản xuất nông nghiệp gặp khó. Người dân trong làng từ xa xưa chủ yếu dựa vào nghề đan lát với các sản phẩm như chõng tre, mủng, thúng…
Tuy nhiên, nghề truyền thống ngày càng gặp khó khi thị hiếu người dùng thay đổi. Cơ sở đan lát của gia đình ông Lê Viết Tới (66 tuổi) cũng lao đao, lận đận tìm hướng phát triển.
Năm 1999, cơ hội bất ngờ đến với cơ sở của ông Tới. Một vị khách ở TPHCM tìm về quê đặt hàng các sản phẩm tre mỹ nghệ để trang trí cho nhà hàng tre lá được xây dựng ở TP Đà Nẵng.
"Họ yêu cầu chúng tôi làm mái nhà, bàn ghế, các sản phẩm trang trí nội thất cho nhà hàng. Từ đây, chúng tôi có cơ hội học hỏi, nắm bắt xu hướng mới trong chế tác sản phẩm và mở rộng thị trường", ông Tới chia sẻ.
Theo ông Tới, đơn hàng của vị khách đặt năm 1999 là bước ngoặt quan trọng, mở ra hướng đi mới cho cơ sở sản xuất mây tre của gia đình ông.
Ông gọi đây là đơn hàng độc đáo bởi trước đó gia đình chỉ sản xuất theo kiểu truyền thống được truyền lại qua các thế hệ; khi nhận được đơn hàng này, các thành viên phải ngồi mày mò, học hỏi, sáng tạo… đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ, chất lượng sản phẩm.
Năm 2000, cơ sở tre mỹ nghệ Lê Viết Tới hình thành. Không chỉ sử dụng nguyên liệu tre, ông Tới còn dùng điền trúc, nứa, tầm vông. Ngoài nhận thi công, trang trí nội thất bằng tre cho các nhà hàng, cơ quan, khách sạn, cơ sở còn sản xuất bàn ghế, giường, tủ…
Ông Tới tâm sự, để khởi nghiệp theo hướng đi mới, ông gặp không ít khó khăn, nhất là việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tìm chỗ đứng vững chắc trong nghề. Ban đầu, có những đơn hàng trang trí nội thất bằng tre mỹ nghệ ông phải làm không công, chấp nhận lỗ để lấy kinh nghiệm.
"Khi du lịch phát triển, xu hướng trang trí nội thất bằng tre ngày càng rộng rãi, cơ sở cũng ăn nên làm ra. Đơn hàng cứ tới dồn dập, nhiều lúc thợ làm hết công suất ngày đêm để kịp giao cho khách. Muốn tồn tại, gắn bó với nghề cần kiên trì, tỉ mỉ, sáng tạo", ông Tới cho hay.
Các dòng sản phẩm xích đu, xe đạp nước của cơ sở được cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Sản phẩm của cơ sở tre mỹ nghệ Lê Viết Tới còn được công nhận là sản phẩm OCOP làng nghề ở địa phương vào năm 2022.
Tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động
Trong 6 năm trở lại đây, cơ sở của ông Tới luôn chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tốc độ sản xuất.
Việc nâng cao tay nghề, đào tạo lao động trẻ kế nghiệp cũng được ông quan tâm, tạo điều kiện. Hiện cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động, với mức lương 7-12 triệu/tháng tùy theo tay nghề.
"Tôi ưu tiên những em có hoàn cảnh khó khăn, chịu khó, ham học hỏi để đào tạo tay nghề, tạo việc làm nuôi sống bản thân. Sau khi ra nghề, có thể tiếp tục làm việc tại cơ sở hoặc muốn ra riêng thì tôi sẽ tạo điều kiện", ông Tới cho hay.
Thân Văn Điệp (21 tuổi) đang được học nghề và làm việc tại cơ sở cho biết với mức lương 7 triệu/tháng, em nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.
"Em được một người quen giới thiệu vào học nghề tại cơ sở của bác Tới. Tại đây, em được đào tạo bài bản, nâng cao tay nghề. Em mới vào nên còn nhiều việc cần cố gắng, chăm chỉ học hỏi", Điệp chia sẻ.
Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình ông Lê Viết Tới còn góp phần bảo tồn, phát triển nghề đan tre truyền thống ở phường Điện An và đưa sản phẩm vươn xa ra thị trường cả nước.
Ông Lê Viết Tới chia sẻ thêm, mỗi năm cơ sở ông xuất ra thị trường 5.000-7.000 sản phẩm, tổng doanh thu khoảng 3-4 tỷ đồng.
"Có được thành công ngày hôm nay là nhờ chúng tôi luôn chú trọng đổi mới, nghiên cứu nhu cầu thị trường, thị hiếu khách hàng", ông Tới tâm đắc.