Lão nông mê công nghệ
Ở xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên), nhiều người dân gọi ông Chu Văn Quân, xóm Cương Lăng, là 'lão nông mê công nghệ'. Bởi nhiều công việc sản xuất của gia đình ông đều sử dụng công nghệ hiện đại. Từ khâu vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, tưới vườn đến giao dịch xuất bán hàng nông sản đều thực hiện bằng… bàn phím.
24 tuổi, ông Quân theo bạn vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, làm công nhân trong nhà máy, hưởng lương theo sản phẩm. Sau hơn 20 năm làm lụng, cần kiệm, ông tích lũy được số tiền gần 1 tỷ đồng rồi trở về quê nuôi chí làm giàu.
Để lập nghiệp, ngoài phần đất 4.000m2 được bố mẹ chia cho, ông dành 700 triệu đồng mua thêm 7.000m2 đất liền kề, tạo thành một khoảnh đất rộng rãi. Xòe đôi bàn tay chai nhám, ông Quân kể lại: Còn gần 300 triệu đồng trong tay, tôi thuê máy về san bạt đồi bãi; quy hoạch lại tổng thể rồi mới đầu tư cụ thể cho chăn nuôi, trồng trọt và làm ao thả cá.
Nhờ biết tính toán và có máy móc hỗ trợ, đến cuối năm 2017, ông đã hoàn thiện “bước quy hoạch”, gồm một khu chăn nuôi gồm 10 lợn nái, 100 lợn bột/lứa và đàn dê 30 con. Trong vườn, ông Quân có hơn 400 cây ăn quả gồm bưởi da xanh, ổi Đài Loan, hồng xiêm, xoài, mít Thái Lan. Để chủ động nước phục vụ chăn nuôi và tưới cho vườn cây ăn quả, tại khu đất trũng nhất, ông cho máy đào thành ao chứa nước rộng gần 1.000m2.
Mô hình V.A.C nhanh chóng được định hình và đi vào hoạt động. Nhưng ngay năm đầu, ông nhận “quả đắng” vì lợn mất giá. Bù lại, 30 con dê xuất bán được giá cao, nên ông Quân quyết định chuyển hướng tập trung chăn nuôi dê sinh sản và dê thương phẩm. Để chăn nuôi dê thành công, ông lên mạng tìm đọc các tài liệu về chăn nuôi, cách chọn giống dê tốt, mắn đẻ, cho sản lượng thịt cao. Vốn sáng dạ, ông nhanh chóng nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng, chữa bệnh cho dê, rồi quyết định đầu tư chăn nuôi 2 loại, gồm: giống dê Bách Thảo và dê Boer (lai châu Phi).
Ông Hoàng Việt Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Đức, chia sẻ: Biết mô hình V.A.C của ông Quân đang gặp khó khăn về vốn, Hội đã kết nối, giúp ông vay được số tiền 40 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh và 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ có vốn kịp thời và cách đầu tư khoa học, nên ông Quân không chỉ nhanh chóng ổn định kinh tế gia đình, mà trở thành hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương.
Từ 4 năm nay, ông duy trì tổng đàn dê hơn 100 con, trong đó có 40 con dê mẹ, 1 năm sinh sản được hơn 120 dê con. Dê nuôi 8 tháng trưởng thành, đạt trọng lượng từ 30 đến 40kg/con. Tư thương vào tận chuồng mua với giá 140.000 đồng/kg.
Ông Quân khoe: Tôi vừa bán được 30 con dê giống cho một người bà con ở cùng xã, với giá 170.000 đồng/kg. Ngoài dê, tôi còn nuôi đàn thỏ 100 con theo cách thả rông ngoài tự nhiên. Dưới gốc cây ngoài vườn, tôi đặt 15 thùng ong nuôi lấy mật. Tôi còn nuôi giun quế làm thức ăn chăn cá trê đồng, cá trắm và cá koi Nhật Bản. Hỏi về thu nhập, ông cho biết: Trừ chi phí đầu tư tôi còn lãi gần 500 triệu đồng/năm.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn dê, ông Quân dành hơn một phần đất trồng cỏ sả, cỏ voi; đồng thời đặt mua lại bã đậu, bỗng rượu, bã bia tại một số cơ sở sản xuất ở TP. Thái Nguyên. Ông nói: Nhiều phần việc của trang trại sử dụng thao tác trên máy, nên tôi giảm được chi phí nhân công. Ví như việc cắt cỏ, băm cỏ cho dê ăn đều làm bằng máy. Hay việc rửa chuồng trại;, lấy nước tưới vườn cây ăn quả có máy bơm điều khiển bằng điện thoại thông minh. Về nguồn điện, tôi dùng các tấm pin năng lượng mặt trời.
Chợt như nhớ ra điều gì, ông cầm điện thoại bấm nhoay nhoáy. Vừa lúc đó, tôi thấy điện trong phòng khách bật sáng. Ngoài vườn cây nước phun trắng xóa, giữa ao chứa nước có những vòi rồng xối xả tạo mưa… Tôi buột miệng nói vui: Đúng là một lão nông mê công nghệ!
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202212/lao-nong-me-cong-nghe-ef8191e/