Lão nông sáng chế máy hút sâu chè
Tại Hội thi 'Sáng tạo kỹ thuật nhà nông' toàn quốc năm 2010, một 'tiếng vang' lớn đối với người nông dân xứ Tuyên chính là việc ông Nguyễn Văn Hoàn, thôn 27, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) giành được giải Nhì với sáng chế máy hút sâu cho chè.
Ngôi nhà của ông Hoàn nằm ở cuối thôn 27, bao quanh là những đồi chè xanh mướt, kéo dài tận chân núi. Ông Hoàn kể, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, cũng như nhiều gia đình khác, ông Hoàn chọn cây chè làm cây phát triển kinh tế gia đình. Năm 1991, ông nhận khoán 14 ha chè cằn cỗi của Nông trường Chè Tháng 10 nay là Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm để cải tạo. Cuộc sống gia đình ông lúc ấy gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn đầu tư, năng suất chè thấp, nhiều người đã khuyên ông từ bỏ cây chè để trồng cây khác. Nhưng với tinh thần người lính Cụ Hồ, ông Hoàn kiên trì, bền bỉ, quyết tâm cải tạo đồi chè. Gắn bó với cây chè nhiều năm, ông Hoàn nhận thấy việc sản xuất chè gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc diệt trừ sâu bệnh cho chè, vừa ảnh hưởng tới sức khỏe người chăm sóc, mà chất lượng chè cũng kém.
Ông Hoàn chia sẻ, thời điểm năm 2010, gia đình ông và bà con trong xã chuyển đổi sản xuất chè đại trà sang làm chè sạch, đặc sản. Để sản xuất ra những sản phẩm chè sạch, đòi hỏi người nông dân tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, toàn bộ khâu chăm sóc, thu hái phải làm thủ công. Trong đó, việc bắt sâu hại trên cây chè bằng tay là công việc tốn nhiều thời gian và công sức nhất nhưng hiệu quả không cao. Xuất phát từ suy nghĩ đó ông Hoàn đã mày mò chế tạo chiếc máy hút sâu chè nhưng đều thất bại sau nhiều lần thử nghiệm. Ròng rã 6 tháng trời với lòng kiên trì, sự sáng tạo, cuối cùng ông Hoàn đã sáng chế thành công máy hút sâu cho chè với tính năng ưu việt. Nhờ vậy mà năng suất, chất lượng chè gia đình ông tăng rõ rệt, thu nhập từ cây chè có hiệu quả.
Ngoài chế tạo thành công máy hút sâu, ông Hoàn còn chế tạo, cải tiến nhiều loại máy móc nông nghiệp khác để phục vụ sản xuất của gia đình như: Máy bón phân tra hạt, máy nhổ sắn, máy làm cỏ, máy khoan lỗ trồng cây, máy cấy lúa, máy cắt chè, máy gieo hạt tích hợp. Với những thành tích trên ông được mệnh danh “nhà khoa học chân đất” của nhà nông, có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và các phong trào thi đua của địa phương.