Lão nông 'say' nghề rừng
'Tôi say với nghề rừng lắm!', đó là câu nói được lặp lại nhiều lần trong câu chuyện giữa chúng tôi với lão nông Nguyễn Văn Tuynh ở thôn Cù Hà, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng.
Bước vào cánh rừng mỡ với những thân cây to, tiếng chim hót lảnh lót, nước suối chảy róc rách, chúng tôi cứ ngỡ đây là cánh rừng tự nhiên. Nhưng hệ sinh thái hơn chục ha này là thành quả từ sự “say rừng” của lão nông Nguyễn Văn Tuynh suốt 30 năm qua.
Ngạc nhiên trước những cánh rừng trồng quá lứa không khai thác, chúng tôi hỏi thì được ông Tuynh tâm sự: “Hơn 30 năm trước, diện tích này là đất trống, đồi trọc do canh tác khiến nương bạc màu. Từ khi tôi mua và thực hiện trồng rừng đã tạo nguồn sinh thủy, hình thành những khe suối cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho cánh đồng lúa trong thôn. Chính vì vậy, tôi quyết định không khai thác gỗ, giữ nguồn sinh thủy cho cả thôn”.
Với người nông dân này, rừng không chỉ là nguồn sinh kế quan trọng nhất giúp gia đình cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu mà còn có ý nghĩa môi sinh cho cộng đồng. Ông Tuynh chia sẻ về mối lương duyên của mình với rừng: "Sau gần 5 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1987, tôi phục viên trở về địa phương xây dựng gia đình. Lúc đó Cù Hà là thôn xa trung tâm xã, diện tích đất ruộng ít, người dân chủ yếu trồng ngô, sắn nhưng chỉ được vài vụ là đất bạc màu, giảm năng suất nên cái nghèo đeo bám dai dẳng. Cũng vì vậy, tôi quyết định chuyển hướng sang chăn nuôi".
Từ hơn 5 ha vườn rừng ban đầu, ông Tuynh đào ao nuôi cá, nuôi trâu, bò và gà. Do nguồn nước khan hiếm nên chăn nuôi gặp khó. Thấy xung quanh có nhiều diện tích nương canh tác ngô, sắn lâu ngày bạc màu bị bỏ hoang, ông quyết định mua lại để trồng rừng. Sau vài năm, khi cây khép tán, hệ sinh thái tự nhiên dần phục hồi, những khe suối có nước quanh năm khiến chăn nuôi, cấy lúa của gia đình thuận lợi. Nhận thấy lợi ích môi trường từ rừng mang lại, ông Tuynh dành hết mọi khoản lợi nhuận từ chăn nuôi để mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng rừng. Tình yêu với rừng cứ lớn dần lên như thế và đến nay sau 30 năm “say trồng cây”, diện tích rừng của gia đình đã tăng lên 26 ha trên tổng số 32 ha đất sản xuất của gia đình.
Để có được những cánh rừng xanh tốt như hiện nay, ngoài sự cần cù, ông Tuynh còn không ngừng học hỏi kỹ thuật canh tác và kinh nghiệm chọn giống cây tốt từ những nơi có nghề trồng rừng phát triển. Có những lần nghe đài, đọc báo thấy ở các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang có mô hình trồng rừng hiệu quả, có giống cây mang lại giá trị kinh tế cao, ông liền khăn gói lên đường tới tận nơi để học hỏi, mua giống về trồng.
Ông Tuynh bảo, trồng rừng phải quy hoạch khoa học, thẳng hàng, thành lối để tiện chăm sóc, không nên trồng dày vì cây sẽ chậm lớn. Bên cạnh đó phải biết lấy ngắn nuôi dài. Những năm đầu, khi cây còn nhỏ thì trồng xen cây sắn để tạo bóng mát, cũng là có nguồn thu để trả công lao động và mua phân bón. Bản thân phải tính toán từ lúc bắt tay vào đầu tư thì mọi việc sau đó mới thuận buồm xuôi gió.
Nhưng con đường làm nghề rừng của ông không phải lúc nào cũng thuận lợi. Khi diện tích rừng ngày càng mở rộng, bài toán về đầu ra cho sản phẩm gỗ khiến ông nhiều đêm “thức trắng”. Khi ấy con đường từ trung tâm xã lên thôn nhỏ hẹp, chỉ xe máy, xe trâu đi được, vì thế thương lái không mặn mà đến mua gỗ. Thế là ông quyết định thế chấp sổ đỏ ngôi nhà đang ở để vay tiền mở đường "lên đồi". Tuyến đường dài hơn 3 km, rộng 5 mét đã được hoàn thành sau 3 tháng thi công, với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Giờ đây, tuyến đường không chỉ phục vụ cho khai thác, vận chuyển gỗ của gia đình mà còn trở thành tuyến đường chung trong phát triển kinh tế của thôn Cù Hà.
Giao thông thuận lợi, sản phẩm gỗ dễ tiêu thụ, tuy nhiên giá bán lại bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái. Ông Tuynh lại trăn trở suy nghĩ và quyết định “khăn gói” đi học hỏi kinh nghiệm và mở xưởng chế biến gỗ. Hiện nay, cơ sở chế biến gỗ của gia đình ông không chỉ sản xuất nguyên liệu của gia đình, mỗi năm còn tiêu thụ hàng trăm mét khối gỗ cho Nhân dân trên địa bàn và tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Tuynh còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Là hội viên hội cựu chiến binh, ông Tuynh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại và giúp đỡ những hội viên khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, gia đình ông Tuynh luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của địa phương.
Ông Nguyễn Công Lập, Chủ tịch UBND xã Xuân Giao.
Với ý chí, nghị lực của người lính, không ngại khó khăn, gian khổ, ông Tuynh đã từng bước gây dựng kinh tế gia đình vững vàng, là tấm gương phát triển kinh tế điển hình của địa phương. Nhiều năm liền, gia đình ông đều đạt gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/lao-nong-say-nghe-rung-post370275.html