Lao rao ngọn Chướng non về

Trung thu đã qua. Tiết trời đồng chung như còn tiếc nuối, cố níu kéo thêm ít ngày, giăng mây chặn gió. Bỗng một buổi mai, lúc vừa đâm mây ngang, ông mặt trời chưa ló dạng mà đã cố nhóm lửa, hắt ngược lên những quầng sáng màu gạch điều. Những tảng mây ùn ứ nhiều ngày qua, sáng nay bỗng dưng được vo lại thành nhiều viên nho nhỏ, nhìn giống như những cục rác vướng răng bừa mà người nông dân vừa nhả ra trên mặt ruộng - người lớn tuổi quê tôi vẫn quen gọi 'mây nhả bừa'. Từ đàng Đông, mây nhả bừa lan ra, lững thững kéo nhau vắt ngang bầu trời, trôi dần về phía mặt trời lặn. Nắng bắt đầu lên, bầu trời quang đãng, biếc xanh.

Nếu gió Nam (thuật ngữ chuyên ngành khí tượng thủy văn là gió mùa Tây Nam) thổi từ vùng lục địa phía Tây sang, mang không khí nóng và ẩm đặc trưng của mùa hè sang thu, mưa nhiều thì gió Chướng (gió mùa Đông Bắc) từ Biển Đông thổi vào, mang đến cho vạn vật sự mát mẽ, hanh và khô đặc trưng cuối thu sang đông, kéo dài tận mùa xuân năm sau. Những tháng cuối thu, ngọn Chướng mới vào mùa, hướng thổi chánh Đông sang Tây, sức gió chưa đủ mạnh, thỉnh thoảng còn bị ngọn Nam cuối mùa lẻn về “cướp đồng” nên người nông dân miền Tây Nam Bộ vẫn gọi là “gió Chướng non”. Chỉ hơn tháng sau, bước qua tháng Mười âm lịch, ngọn chướng già đi, trời dần dứt mùa mưa chuyển sang mùa khô.

Từ chướng non qua Chướng già cũng là quãng thời gian tháng cuối mùa mưa, những trận mưa trở nên thưa dần, nhưng trận nào ra trận đó, điển hình là những trận mưa “ông tha bà không tha” hay còn gọi là “mưa rước cá” mùng Ba tháng Mười âm lịch. Liền sau đó, những đợt gió Bấc (bắc Đông Bắc) mang theo cái rét buốt xương từ lục địa Trung Hoa thổi về. Nhưng trải qua mấy ngàn cây số trên mặt Biển Đông, ngọn Bấc chỉ còn lại chút lạnh hanh hao cho cành mai miền Nam kết nụ ra hoa, nhà nhà vui đón tết Nguyên đán.

Sau những ngày đồng chung “mưa thúi đất”, ngọn chướng non thổi về xua tan mây mù ảm đạm, trả lại cho bầu trời màu xanh biêng biếc. Bầu không khí sũng nước, độ ẩm chừng bảo hòa dần hanh khô. Nắng đã lên, sưởi ấm đất trời, sưởi ấm vạn vật sinh linh, sưởi ấm lòng người. Nom rõ nhất là những hàng cây đang nghiêng mình theo hướng thổi của ngọn nam nay sửa lại dáng đứng cho thẳng thớm hơn, giũ nhẹ cho sạch những giọt nước mưa cuối cùng còn đọng trên tán lá. Người tinh ý, chỉ ngồi trong nhà uống trà, nghe tiếng gió lao rao trên tán lá khô ráo của những hàng cây ngoài sân đã biết ngọn Chướng non đang nhè nhẹ thổi về.

Ngọn Chướng non về, lượng mưa giảm hẳn, đất không còn oi nước, từ cây trồng cho tới cây rừng cỏ dại lại bắt đầu đâm rễ non mỗi lúc một nhiều hơn, cắm sâu hơn dưới mặt đất, tìm chất dinh dưỡng, giúp cây đâm chồi nẩy lộc, ra bông kết trái dâng đời những tháng cuối năm và dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Đầu tiên, những dây đậu rồng ra lác đác ra bông, rồi rộ lên phất tím cả giàn, nhu nhú trái non ẩn mình dưới lá. Kế đó, hàng cây so đũa bung ra những chùm bông trắng đung đưa trong gió (ngày nay, giống đậu rồng, so đũa tứ quý cho bông, cho trái quanh năm nhưng chất lượng chẳng thể bì với người anh em truyền thống). Như người họ hàng so đũa của mình, dưới bưng sâu, lớp lớp điên điển hoang dã cũng lặng lẽ dâng đời những chùm bông vàng tươi mơn mởn.

Gió chướng non đẩy con nước thủy triều ven biển dâng cao, cũng là mùa nước lũ trên thượng nguồn sông Mê-Công đổ về, hội tụ trên những cánh đồng, những dòng sông, kinh rạch miền Tây Nam Bộ biết bao chủng loài thủy sản đa dạng và nhiều vô kể. Nồi canh chua tép bạc đất bông so đũa, dĩa cá trê vàng nướng bếp củi kẹp rau rừng với mắm tép sông, tô cá linh non kho mẵn chấm bông điên điển… bao đời nay đã trở nên thân thuộc với các thế hệ người dân miền sông nước Cửu Long.

Nước lũ trên nguồn kéo theo những giề lục bình đổ về phía hạ lưu chín nhánh Cửu Long. Gặp đoạn sông hẹp, ít chảy, từng giề lục bình kết nhau lại, ken kín cả mặt nước. Lục bình là loại cây cỏ hoang dại khá đặc biệt, suốt đời chỉ trôi nổi trên mặt sông, thả rễ xuống nước tìm chất dinh dưỡng vậy mà quanh năm vẫn một màu xanh mướt mắt, trổ bông tím biếc, sức sinh sôi nảy nở đến vô cùng. Mùa này lũ rạm (có nơi gọi là rẹm - một nhánh họ nhà cua, nhỏ và dẹp cỡ miệng chung rượu cúng, thịt chắc và ngọt), theo tập tính sống của giống nòi, từ trên đồng ngược dòng chảy thủy triều ra sông. Trên mặt sông mênh mông, họ rạm nhà ta rủ nhau bám vào rễ lục bình như mái nhà di động, vừa tìm nguồn dinh dưỡng phù du trôi nổi trong dòng nước vừa tìm bạn tình mà phát triển giống nòi.

Mùa Chướng non về cũng là mùa bọn con nít chúng tôi hồi đó bơi xuồng ra sông, men theo những giề lục bình, vớt rạm. Rạm vớt trên sông đều là rạm trưởng thành, mập mạp, lại sạch sẽ vì không vùi mình trong bùn đất như hồi ở trên đồng. Rạm nướng, rạm hấp chấm muối tiêu, rạm rang me… thơm phức, ngọt lừ, béo ngậy là những món ăn giản đơn, dễ kiếm, dễ làm mà ngon lạ ngon lùng luôn song hành cùng tuổi thơ miền sông nước chúng tôi.

Ngọn Chướng non về, trên những cánh đồng lúa mùa một vụ ngày xưa, công việc cấy nhổ đã xong. Thời tiết hanh khô thuận lợi cho cây lúa bén rễ nhảy con, cộng với sâu rầy cũng giảm đi nhiều so với những ngày mưa dầm đồng chung nên cả cánh đồng xanh tươi mượt mà, nhìn mướt con mắt. Hồi đó, để chỉ cây lúa, bụi lúa, cả cánh đồng lúa giai đoạn này, người nông dân có lối ví von độc đáo là “lúa đang thời con gái”, lời ăn tiếng nói rặt nhà nông dân dã mà gợi hình, gợi tình, gợi cảm xúc và chính xác đến vậy là cùng. Dầm chân trong đồng nước mùa gió chướng, qua “thời con gái” là cây lúa bắt đầu “gom bụi” (không nhảy con nữa), “đứng cái” (cây lúa cái nhóng mình cao lên), rồi “làm đòng” (có đòng đòng trong thân lúa). Khi ngọn chướng già, trời vừa dứt mưa thì cây lúa “trổ bông” (bông lúa non trổ khỏi thân mẹ), rồi “hứng sương ngậm sữa” (quá trình tích tụ tinh bột làm thành hột gạo) và chừng non tháng sau là “cong trái me” (hột lúa bắt đầu chín, ngã sang màu vàng nhẹ và bông lúa cong xuống như trái me), rồi “chín đều” để người nông dân đi vào thu hoạch, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, một năm nhà nhà, xóm làng no đủ.

Ngọn Chướng non về, chuyện cấy hái đã xong xuôi, cây lúa ngoài đồng đang hồi tươi tốt, người nông dân quê tôi những thập niên trước lại bước vào buổi nông nhàn chờ mùa gặt hái. Những ngày đồng chung ẩm ướt đã qua nên sức khỏe từng thành viên trong gia đình cũng tốt dần lên. Người già không còn cảnh long xương mỏi khớp, đi đứng nhanh nhẹn, đầu óc vui tươi; đám con nít cũng hết hồi nhặm mắt, lòng thòng mũi dãi, nhanh ăn chóng lớn, chạy nhảy tung tăng. Sức khỏe tốt, việc đồng áng nhàn tản, sẵn đồ ăn thức uống ê hề từ trong vườn ra ngoài đồng, dưới mương… Chỉ cần siêng xúc, siêng tát thì bữa ăn đầy đủ. Hễ no lòng ấm cật thì người ta xoay qua chuyện chơi.

Cái sự chơi của người nông dân Nam Bộ hồi đó cũng không có gì cầu kỳ, to tát. Chỉ cần một bộ cờ tướng, một bình trà đã đủ rôm rả cho cánh đàn ông cả xóm - một người chơi, đôi ba người ngồi bên mách nước. Buổi chiều cũng chỉ cần chai rượu, vài ba con cá, chút ít rau rừng cũng đủ cho bao chuyện trên trời dưới đất gom lại quanh chiếc bàn tròn. Cờ, rượu đôi ba ngày rồi cũng chán, có khi sanh chuyện mích lòng, các ông lại rủ nhau vác cuốc dẫy cỏ vuông đất trước sân nhà, rồi ra chân cây rơm lấy mùn, vô chuồng bò nhặt chút phân hoai, trong khi mấy bà cùng xóm san sẻ nhau ít hột giống vạn thọ, cúc vàng, ớt kiểng… lưu lại từ mùa trước, lựa ngày gieo vào những chiếc bầu nho nhỏ làm bằng lá dừa quấn tròn, hẹn đúng mùng Mười tháng Mười âm lịch mang ra xuống đất. Nhẹ nhàng công sức mà đủ cho cái Tết tươi màu sung túc, dư chút đỉnh thì mang ra chợ bông, đổi lấy hộp bánh mứt làm niềm vui cho đám con nít trong nhà.

Ngọn Chướng non về, những khu vườn chuyên canh bưởi da xanh, bưởi năm roi, quít đường trở mình thay lá. Dưới nách những chồi non, những chùm bông li ti xuất hiện. Chẳng bao lâu sau, nụ hóa thành bông, rồi bông kết thành trái. Dưới ngọn Chướng lao rao ấy, những chùm trái lớn nhanh như thổi để nhà vườn kịp thu hoạch, đưa ra chợ mùa tết Nguyên đán, được giá mà ít tốn công chăm sóc. Bắt chước thiên nhiên (mà thuật ngữ khoa học gọi là “phỏng sinh học”), nhiều nhà vườn Nam Bộ bây giờ cứ canh ngọn chướng non lao rao thổi về mà kích bông làm trái cho nhiều loại cây ăn trái ngày xưa hiếm khi xuất hiện trên bàn thờ gia tiên ngày Tết.

Ngọn Chướng non về, không khí ẩm ướt dần tan đi, bao loài chim muông vốn im hơi lặng tiếng, rúc vào tổ trú mưa tránh gió suốt những ngày đồng chung, sáng nay ríu rít cất tiếng gọi nhau tìm bạn tình vào mùa sinh sản. Cả không gian như rộn tiếng chim. Trên những ngọn cây cao vút, từng đôi dồng dộc như những người thợ xây lành nghề vừa cần mẫn chăm chỉ vừa ríu rít vui đùa nhặt từng cọng rơm, sợi cỏ về kết thành những chiếc tổ công phu mà xinh xắn, trông như những chiếc giày treo ngược trên cành cây.

Ngày xưa, đám con nít nông thôn ít trò tiêu khiển, buổi nông nhàn ngồi nhà ngước mắt nhìn lên những chiếc tổ dòng dọc ấy mà gởi gắm bao ước mơ bay bổng. Gần đó, những chú cu cườm trống cũng dộm chậm sung mãn, quanh cổ óng ánh những vòng cườm như thước đo minh chứng cho độ trưởng thành, khỏe mạnh, đủ khả năng bảo bọc cho cả gia đình, đang gù lên những tràng âm thanh đổ hột kéo dài, khiến bao cô nàng cu mái chẳng thể cài chặt cõi lòng, thôi thì nhắm mắt đi vào mùa yêu đương hò hẹn. Sau khi kết cặp vợ chồng, từng đôi cu cườm chung thủy tung cánh chao liệng trên bầu trời, rồi cùng nhau thong thả bay về chốn yên bình, hạnh phúc.

Lao rao ngọn chướng non về, những ngày đồng chung khó chịu đã qua đi, hòa với thiên nhiên và cùng với thiên nhiên, người nông dân miền Tây Nam Bộ cũng hướng lòng mình về những tháng ngày bình yên, ấm no, hạnh phúc sắp tới:

Cu kêu ba tiếng cu kêu

Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè.

TRẦN DŨNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/lao-rao-ngon-chuong-non-ve-33160.html