Lào tìm kiếm biện pháp nhằm khôi phục sản xuất thời Covid-19

Hàng loạt nhà máy, xí nghiệp tại Lào nhiều tháng nay phải đóng cửa theo quy định phòng, chống dịch Covid-19 của Lào. Để các hoạt động sản xuất khôi phục trở lại, đồng thời bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, các cơ quan hữu quan Lào đang tìm cách tháo gỡ khó khăn, bảo đảm cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ sức khỏe người dân.

Lào đang tìm kiếm biện pháp nhằm nối lại hoạt động sản xuất, đặc biệt tại các nhà máy may mặc. (Ảnh: Xuân Sơn)

Lào đang tìm kiếm biện pháp nhằm nối lại hoạt động sản xuất, đặc biệt tại các nhà máy may mặc. (Ảnh: Xuân Sơn)

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Lào đang diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao trong thời gian gần đây làm cho Chính phủ, Ban Chuyên trách quốc gia kiểm soát và giải quyết dịch Covid-19 của Lào (LTF Covid-19) phải ban hành các biện pháp nghiêm ngặt để phòng ngừa, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có biện pháp đóng cửa các nhà máy, xí nghiệp. Các biện pháp này đã tác động và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp tại Lào, ảnh hưởng đến việc phục hồi kinh tế - xã hội, thậm chí một số doanh nghiệp đã tính đến việc chuyển nhà máy, cơ sở sản xuất sang các nước láng giềng.

Trước tình hình trên, Phòng Công nghiệp và Thương mại quốc gia Lào (LNCCI) đã đề xuất LTF Covid-19 nghiên cứu, xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về việc mở cửa nhà máy công nghiệp tại Thủ đô Vientiane, đặc biệt là các nhà máy, xí nghiệp may mặc, nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Theo đó, Thông báo số 1260/VPPTTg ngày 30/9/2021 của Văn phòng Phủ Thủ tướng Lào có nội dung cho phép mở cửa các nhà máy, xí nghiệp và doanh nghiệp ở trong khu vực không có lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng (khu vực đỏ), quá trình thực hiện nên có những quy định cụ thể và phù hợp với tình hình thực tế của các doanh nghiệp tại Lào mà phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ; nới lỏng việc cho phép mở các xí nghiệp, nhà máy tại khu vực không có lây nhiễm nhưng phải có khu nhà ở riêng hoặc trong nhà máy cho người lao động; không phải cách ly 14 ngày đối với người lao động đã tiêm đủ mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính để họ có thể tham gia sản xuất ngay. Việc phải đóng cửa cũng có thể khiến các doanh nghiệp, dự án lớn tại Lào tính đến phương án chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác.

LNCCI cũng khẳng định, các doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ về tài chính đối với việc thành lập các trung tâm cách ly dã chiến gần các nhà máy, xí nghiệp và đề nghị LTF Covid-19 quy định tiêu chuẩn, nhãn hiệu của thiết bị xét nghiệm nhanh, cho phép lực lượng y tế thường trực của các nhà máy, xí nghiệp tự tiến hành xét nghiệm. LNCCI sẽ làm việc với Hiệp hội may mặc để xây dựng hướng dẫn tổ chức thực hiện trong thời gian mở cửa các nhà máy trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong phòng ngừa Covid-19, xây dựng Kế hoạch đối phó (SOP), chuẩn bị địa điểm cách ly trong thời gian bùng phát dịch và chuẩn bị bệnh viện dã chiến để có thể đối phó kịp thời với tình hình dịch bệnh xảy ra.

Việc đóng cửa các hoạt động của nhà máy để phòng ngừa sự lây lan của dịch Covid-19 là cần thiết, nhưng cũng ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp như thiệt hại cơ hội về thị trường, thiệt hại về tài chính…, chính vì vậy LNCCI cho rằng, đây là những kiến nghị phù hợp với tình hình thực tế, giúp nhanh nối lại các hoạt động sản xuất, đặc biệt khi mục tiêu bao phủ vaccine cho 50% người dân vào cuối năm nay đã gần cán đích.

Theo thông báo của LTF, hôm nay, 7/10, Lào có 3.034.982 người được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi một (chiếm 41,38% dân số) và 2.164.411 người được tiêm đủ mũi (chiếm 29,5% dân số).

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/lao-tim-kiem-bien-phap-nham-khoi-phuc-san-xuat-thoi-covid-19-668367/