Lao vào đa cấp 'ấp trứng', 'nuôi bò online', nhiều người mang nợ
Nhiều người đã rơi vào bẫy nợ nần khi tham gia mô hình đa cấp lừa đảo trả thưởng thông qua các hoạt động như 'ấp trứng', 'nuôi bò', 'nuôi heo đất', 'đào Dogecoin'.
Từ ý định kiếm vài chục nghìn đồng trong dịch Covid-19, nhiều người mất hàng chục triệu đồng từ các ứng dụng "ấp trứng", "nuôi bò" online. Ban đầu, những ứng dụng này được giới thiệu với khả năng hoàn vốn nhanh, "cam kết 100% có lời", công việc đơn giản.
Những cái tên có thể kể đến như ứng dụng "nuôi bò" Trang trại tiết kiệm, ấp trứng online Tamago...
Các ứng dụng này tạo ra cơ hội "đầu tư" cho người dùng như một trò chơi. Người đầu tư sẽ tham gia các nhiệm vụ để nhận thưởng. Muốn nhận được nhiều thưởng hơn, người chơi phải nạp thêm một khoản tiền để nâng cấp gói đầu tư.
"Từ cảm giác lo ngại, đầu tư vài trăm nghìn đồng, tôi bắt đầu vay mượn bạn bè, nâng cấp gói vip để thu về nhiều tiền hơn. Đó là lúc sàn sập, ngừng trả tiền làm nhiệm vụ", Thành An, người tham gia ứng dụng "ấp trứng" Tamago cho biết.
Theo các chuyên gia, dạng ứng dụng đa cấp lừa đảo này là biến tướng từ mô hình trả thưởng (bounty). Không chỉ có Trang trại tiết kiệm hay Tamago, hàng trăm ứng dụng khác đang bủa vây người dùng Internet tại Việt Nam.
“Tôi chỉ mới tham gia tháng trước, vừa mới vay nặng lãi 26 triệu đồng để nâng gói vip cho ứng dụng. Tôi dự định 5 ngày là hoàn vốn. Ai ngờ...”, X. Thanh, ngụ quận 12, TP.HCM chia sẻ.
Nền tảng mà bà Thanh tham gia có tên Bounty6. Cách hoạt động của ứng dụng khá đơn giản. Người tham gia chỉ cần hoàn thành các nhiệm vụ để nhận thưởng. Công việc này được những người giới thiệu cho bà Thanh khẳng định là "việc nhẹ lương cao".
Kiếm tiền "dễ dàng" khi xem TikTok, YouTube, Facebook
“Nhiệm vụ mà họ giao gồm: thả tim, follow, đăng ký các tài khoản TikTok, Facebook, YouTube. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, người tham gia phải chụp màn hình để xác nhận”, bà Thanh cho biết. Các tài khoản TikTok, YouTube, Facebook trong nhiệm vụ đều đến từ các kênh bán hàng online.
Bounty6 chia người dùng thành 10 cấp. Ở cấp phổ thông, khi hoàn thành một nhiệm vụ, người tham gia được trả 1.000 đồng, mỗi ngày chỉ được tham gia 10 nhiệm vụ. “Thấy mỗi ngày chỉ thu được 10.000 đồng tôi cảm thấy mất thời gian quá. Vì vậy, tôi bỏ thêm 300.000 đồng để mua gói vip 2”, bà Thanh nói.
Ở gói này, bà Thanh được tham gia 175 nhiệm vụ trong 7 ngày, mỗi nhiệm vụ được trả 2.500 đồng. Nếu hoàn thành các lượt tương tác, bà Thanh sẽ nhận về số tiền 437.500 đồng trong 7 ngày. “Tôi đã nhận được vài lần như vậy nên có lòng tin hơn vào ứng dụng. Đến đầu tháng 4, tôi vay tiền lãi suất cao, đầu tư vào 23 triệu đồng để mua gói Vip 6”, bà Thanh kể lại.
Theo bà Thanh, ở gói này, bà sẽ được làm 60 nhiệm vụ mỗi ngày trong vòng một năm. Mỗi nhiệm vụ, bà được trả 24.000 đồng. “Tôi nghĩ nếu tham gia gói này mỗi ngày tôi có thể thu về 1,4 triệu đồng. Tầm hơn nửa tháng là tôi đã có thể hoàn vốn. Nhưng không ngờ đến ngày 23/4, toàn bộ hội nhóm tham gia đều thông báo không thể rút được tiền nữa”, bà Thanh cho biết.
Bên cạnh nâng cấp gói, Bounty6 cũng khuyến khích người tham gia giới thiệu bạn bè để nhận thêm hoa hồng khi "cấp dưới" hoàn thành nhiệm vụ hay nạp tiền.
Mô hình trả thưởng biến tướng
Theo ông Nguyễn Thế Vinh, CEO và đồng sáng lập Coin98 Finance, mô hình bounty (trả thưởng) tồn tại từ rất lâu trong ngành tài chính. “Khi một nền tảng muốn thu hút thêm người tham gia, họ sẽ phát hành điểm thưởng nếu người dùng hoàn thành các nhiệm vụ. Thường những nhiệm vụ này sẽ giúp nền tảng đến với nhiều người hơn như chia sẻ, đánh giá…”, ông Vinh cho biết.
Tuy vậy, theo ông Vinh, ngoài mục đích làm nhiệm vụ để chia sẻ nền tảng, các ứng dụng bounty đúng nghĩa sẽ không yêu cầu nạp tiền để nhận được hoa hồng cao hơn.
“Trang web Bounty6 được thiết kế rất sơ sài, không phát hành ứng dụng trên các kho và chỉ có phiên bản web. Những điều liệt kê trên thường thấy ở các ứng dụng lừa đảo”, Thái Sơn, chuyên gia lập trình ứng dụng, web tại Tp.HCM cho biết.
Cũng theo ông Sơn, khi dùng thử ứng dụng, ông còn phát hiện thêm nhiều điểm bất thường. “Khi làm nhiệm vụ theo dõi một tài khoản TikTok, Bounty6 yêu cầu chụp ảnh màn hình. Tuy vậy, tôi không làm theo mà chỉ gửi một tấm ảnh ngẫu nhiên, nhiệm vụ của tôi vẫn được tính đã xong”, ông Sơn cho biết.
Điều này đi ngược lại tuyên bố của Bounty6 rằng họ được các TikToker trả tiền để tăng theo dõi. “Các nhiệm vụ trong Bounty6 chỉ sinh ra cho có việc để làm. Thực tế, nền tảng này chỉ cố kiếm tiền bằng cách chiêu dụ người dùng nâng cấp gói”, ông Sơn khẳng định.
Mô hình bounty mọc lên như nấm
Trong nhóm Facebook “Bounty- kiếm tiền”, hàng trăm bài chiêu dụ thành viên được đăng tải. Mỗi ứng dụng được thiết kế cho các nhiệm vụ khác nhau từ tương tác, theo dõi TikTok, Facebook, YouTube đến ấp trứng, nuôi bò, nuôi heo đất, đào Dogecoin...
“Bản chất của các nhiệm vụ cuối cùng cũng quay về nạp tiền để nâng cấp tài khoản. Sau khi nâng cấp, người chơi sẽ được tăng khoản thưởng khi hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, họ cũng được làm nhiều nhiệm vụ hơn trong một ngày. Đây là hai biến số chính giúp nhận biết bounty lừa đảo”, ông Cường Trần, sáng lập hội nhóm tài chính Saigon Trader cho biết.
Cũng theo ông Cường, đa phần người tham gia đều thừa biết những nền tảng này sẽ sập trong thời gian ngắn. “Các bài rao đều đánh vào tâm lý đó để giới thiệu nền tảng. Trong đó, thời gian ra mắt là quan trọng nhất bởi ai cũng quan tâm mình có phải người vào trước hay không”, ông Cường phân tích.
"Một trang web như Bounty6 mất chưa tới 6h để làm xong. Vì vậy, cứ gom tiền xong lại có dự án mới được chào mời và lại có người tham gia vì cho rằng mình là người đầu tiên", ông Sơn cho biết.
Sau khi bounty6 ngừng trả tiền làm nhiệm vụ, bà Thanh ngay lập tức nhận được lời chào mời từ một thành viên khác trong nhóm Facebook. "Ứng dụng lần này yêu cầu người dùng để lại đánh giá sản phẩm trên các shop TMĐT và cũng có những gói nâng cấp tài khoản. Khi bấm vào phần thông tin thanh toán, tôi nhận ra số tài khoản của người mà tôi từng chuyển tiền trước đó trong dự án Bounty6", bà Thanh cho biết.
Bà Thanh cũng khẳng định sẽ không tham gia mô hình này một lần nào nữa. "Tháng 5 tới, tôi bắt đầu trả gốc và lãi tháng đầu tiên với số tiền 3 triệu đồng. Còn 3 năm nữa mới dứt được món nợ này", bà Thanh nói.