Lao vào sốt đất như thiêu thân, 50 tuổi còn lâm cảnh trắng tay
Cuốn vào cơn sốt đất, nhiều nhà đầu tư giờ nhận trái đắng khi tài sản bốc hơi, phải tay trắng gây dựng lại cuộc sống.
Bị cuốn sâu vào cơn sốt đất ở Phú Quốc (Kiên Giang) hồi năm 2020 - 2021, ông Trần Minh Hùng (Thanh Trì, Hà Nội) giờ đang phải nếm trải mùi vị chát đắng khi rơi vào tình trạng tay trắng.
Năm 2020, nhà đầu tư này gom tiền nhàn rỗi tích cóp sau nhiều năm đi làm được 1 tỷ đồng, định vay thêm tiền để mua 1 lô đất Phú Quốc "lướt sóng" vì thấy thị trường tăng trưởng hấp dẫn và nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, số tiền này nhanh chóng bốc hơi khi ông Hùng sập bẫy lừa của kẻ xấu.
Ông Hùng kể, khi vừa đến Phú Quốc, ông được môi giới dẫn đi xem lô đất giá 3 tỷ, sau khi thương lượng giá giảm còn 2,5 tỷ đồng. Mọi giấy tờ được môi giới cam kết sẽ đủ cả, ông Hùng cẩn thận kiểm tra lại quy hoạch thấy đất rất đúng so với mục đích sử dụng.
Sau khi chốt xong giá, ông Hùng cọc cho chủ đất 500 triệu đồng. Nếu bên nào sai hợp đồng, phải đền số tiền gấp đôi, tức là 1 tỷ đồng.
Trong quá trình chờ chuyển nhượng, ông Hùng được môi giới giới thiệu 1 khách mua khác, khách này thấy lô đất của ông Hùng đẹp nên chấp nhận mua lại với giá 3,5 tỷ đồng. “Thấy mới lướt cọc đã lời 1 tỷ đồng, tôi rất mừng, không nghĩ ngợi gì mà viết cọc luôn”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, vị khách này đề nghị cọc 2 tỷ đồng vì nói sợ ông Hùng đổi ý không bán nữa hoặc quay đầu bán cho người khác để kiếm lời cao hơn, nếu ai sai cọc sẽ chịu phạt số tiền gấp đôi.
Điều không may cho ông Hùng là đến ngày công chứng lô đất, chủ đất bất ngờ “quay xe” không bán nữa, chấp nhận đền 1 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Hùng phải đền cọc 4 tỷ đồng cho vị khách của ông.
“Chỉ trong vòng 30 ngày, tôi đã mất trắng 3 tỷ đồng. Tôi chỉ có 1 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, cộng thêm 1 tỷ được bù cọc, không biết xoay sở ở đâu ra 2 tỷ nữa để đền cọc cho người ta”, ông Hùng kể.
Không còn cách nào khác, ông Hùng phải bán căn nhà ông cha để lại ở Thanh Trì (Hà Nội) với giá gần 2 tỷ đồng để trả nợ.
“Vì ham làm giàu, mà ở tuổi ngoài 50 tôi lại trắng tay, vợ con phải về nhà ngoại ở tạm, tôi chạy Grab để kiếm thêm thu nhập".
Kể lại câu chuyện của mình, chị Nguyễn Thùy Dung ở Nam Định chưa nguôi tiếc nuối. Là người buôn bán nhỏ, ít vốn nhưng do bị hấp dẫn bởi sức nóng của bất động sản, năm 2020, chị Dung khăn gói từ Nam Định lên Hà Nội tìm hiểu thị trường.
Thời điểm đó, đất nền tại Hà Nội tăng giá mạnh, giao dịch sôi động, nhà đầu tư liên tục thắng lớn. Năm 2021, chị Dung chính thức nhập cuộc. Nhưng chỉ sau đó vài tháng, nhà đầu tư này đã vấp phải cú sốc lớn khi thị trường bất ngờ nguội lạnh.
Chị Dung đã cầm cố căn nhà 2 tầng ở quê, vét hết vốn, gom 7 tỷ đồng để mua 2 căn liền kề được phân lô của một dự án ở Hoài Đức (Hà Nội). Đáng nói, do không mua được giá gốc từ chủ đầu tư, chị Dung phải chi hàng trăm triệu để trả phí chênh lệch do 2 lô đất bị đẩy giá nhiều lần. Nếu cộng thêm số tiền cọc 50 triệu đồng mỗi căn thì khoản tiền này lên đến bạc tỷ.
Sau 10 tháng trả lãi, sắp đáo hạn nợ gốc, dự án vẫn chưa triển khai, hai lô đất của chị Dung ngày càng hoang hóa, giờ muốn bán cũng khó, trong khi ngân hàng treo án phát mãi căn nhà ở quê.
"Tôi đứng trước nguy cơ vừa mất nhà, vừa bay cả gia sản vì thị trường đã hạ nhiệt sâu, khoản đầu tư giờ không còn giá trị, có thoát hàng được cũng chỉ bán giá rẻ", chị tâm sự.
Trước việc các nhà đầu tư thiếu hiểu biết khi lao vào cơn sốt đất, GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo, nhà đầu tư tuyệt đối không nên theo “hội chứng đám đông” để giảm xác suất thiệt hại khi tham gia vào thị trường bất động sản.
Thay vào đó, phải tự trang bị kiến thức và tầm nhìn để nhìn nhận mọi tình huống có thể xảy ra, tránh những quyết định mang tính tự phát. Chỉ có như vậy các nhà đầu tư nhỏ lẻ mới có thể bảo toàn và làm cho đồng vốn của mình sinh lời.