Lập 12 đoàn kiểm tra giải ngân tiền hỗ trợ lao động
Các đoàn sẽ kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện các gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; nắm bắt thực trạng thiếu hụt lao động trong các ngành, nghề, lĩnh vực, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)…
Ảnh minh họa.
Đây là một trong những nội dung tại Quyết định số 1191 về việc thành lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ký ban hành.
Theo quyết định này, các đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra tình hình, kết quả và đôn đốc việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 (gói 26.000 tỷ), Nghị quyết số 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23; Nghị quyết số 116 về hỗ trợ lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quyết định số 28.
Cùng với đó, các đoàn cũng kiểm tra tình hình hỗ trợ gạo và các chính sách an sinh xã hội khác. Đồng thời, nắm bắt thực trạng thiếu hụt lao động trong các ngành, nghề, lĩnh vực, trong các doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu công nghiệp, khu chế xuất; tình hình dịch chuyển lao động ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động tự do. Từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục và phục hồi, phát triển thị trường lao động.
Thời gian các đoàn tiến hành kiểm tra bắt đầu từ 21/10 đến 3/11/2021. Thành phần các đoàn kiểm tra bao gồm: Đại diện Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội...
Theo báo cáo của 63 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện gói 26.000 tỷ đồng trên toàn quốc đến nay là gần 21,89 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 24,26 triệu lượt đối tượng. Tại 23 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng các chính sách hỗ trợ 17,75 nghìn tỷ đồng (chiếm 80% toàn quốc) hỗ trợ 16,8 triệu đối tượng (chiếm 69,5% toàn quốc).
Riêng TP.HCM đã chi 10,13 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 9,41 triệu lượt đối tượng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (1.965 tỷ đồng), Hà Nội (1.641,7 tỷ đồng), Đồng Nai (1.143,8 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (986 tỷ đồng).
Tuy nhiên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết, một số chính sách triển khai còn chậm, do thời gian vừa qua tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tại một số địa phương, người lao động không đi lại được để hoàn thiện thủ tục đề nghị hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau, hiểu chưa đầy đủ về chính sách, do đó, chưa linh hoạt trong việc xử lý. Một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm.
Mặt khác, do dịch bệnh diễn biến tiếp tục phức tạp tại nhiều địa phương nên còn khó khăn trong việc bố trí kinh phí hỗ trợ do còn tập trung vào các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đối với chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 428.894 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 111.212 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 363.300 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.594,6 tỷ đồng.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lap-12-doan-kiem-tra-giai-ngan-tien-ho-tro-lao-dong.htm