Lập bảng cân đối tiền tệ theo chuẩn mực mới
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện lập và cung cấp cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) các bảng cân đối tiền tệ theo tiêu chuẩn mới.
Bảng cân đối tiền tệ - Thống kê kinh tế vĩ mô quan trọng
Thống kê tiền tệ là một trong những thống kê kinh tế vĩ mô quan trọng, nghiên cứu thiết lập cách thức lập, trình bày các số liệu thống kê tiền tệ theo một khuôn mẫu riêng gọi là các bảng cân đối tiền tệ.
Các bảng cân đối tiền tệ là báo cáo tổng hợp phản ánh toàn bộ các giao dịch tài chính giữa khu vực tài chính với các khu vực còn lại tại một thời điểm nhất định, bao gồm bảng cân đối của Ngân hàng Nhà nước, bảng cân đối tiền tệ hệ thống tổ chức tín dụng và bảng cân đối tiền tệ toàn ngành.
Bảng cân đối tiền tệ cung cấp các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng chủ yếu phục vụ công tác phân tích, hoạch định, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nói riêng và phục vụ lập, tổng hợp các cân đối vĩ mô nói chung.
Hiện nay, việc lập các bảng cân đối tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước thực hiện trên cơ sở số liệu báo cáo cân đối tài khoản kế toán của các tổ chức tín dụng và cân đối tài khoản kế toán của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng giống như các thống kê khác, thống kê tiền tệ có phương pháp luận riêng. Ngay từ đầu những năm 1990, IMF đã bắt đầu nghiên cứu các tiêu chuẩn về thống kê tài chính, tiền tệ nhằm hướng dẫn cho các nước thành viên thực hiện thống nhất. Việc sử dụng chung một phương pháp luận thống kê tiền tệ giúp cải thiện chất lượng số liệu thống kê tiền tệ cũng như đảm bảo tính so sánh giữa các quốc gia, khu vực.
Cẩm nang thống kê tài chính tiền tệ - Monetary and Financial Statistics Manual (MFSM) đã được IMF biên soạn và xuất bản vào năm 2000. Tài liệu này hướng dẫn cách trình bày thống kê tiền tệ và các khái niệm, nguyên tắc trong hướng dẫn này được hài hòa hóa với Hệ thống tài khoản quốc gia 1993 (SNA 1993).
Tiêu chuẩn mới lập các bảng cân đối tiền tệ
Trên cơ sở các hướng dẫn tại MFSM 2000, IMF đã xây dựng và xuất bản tài liệu hướng dẫn biên soạn thống kê tài chính tiền tệ - Monetary and Financial Statistics Compilation Guide phiên bản năm 2008 và gần đây nhất, năm 2019, IMF kết hợp giữa cẩm nang thống kê tài chính tiền tệ và hướng dẫn biên soạn thống kê tài chính tiền tệ thành một tài liệu hướng dẫn về phương pháp luận và thực hành trong biên soạn thống kê tiền tệ.
Các quốc gia là thành viên sử dụng các hướng dẫn của IMF làm phương pháp luận để biên soạn các số liệu thống kê tiền tệ và thực hiện nghĩa vụ của thành viên; định kỳ, các quốc gia sẽ thực hiện báo cáo IMF các bảng cân đối tiền tệ theo mẫu báo cáo chung do tổ chức này quy định.
Từ năm 2004, IMF đã giới thiệu các mẫu báo cáo tiền tệ chuẩn (SRFs) dựa trên phương pháp luận tại MFSM, được thiết kế để các nước thành viên báo cáo các bảng cân đối tiền tệ cho IMF qua trang Thống kê tài chính quốc tế (IFS) và bắt đầu đề nghị các nước chuyển dần sang mẫu báo cáo mới.
Các mẫu báo cáo theo SRFs đòi hỏi các bảng cân đối tiền tệ phải thực hiện phân tổ theo các công cụ tài chính và các công cụ tài chính được phân tổ chi tiết theo các khu vực thể chế.
Ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước
Các mẫu báo cáo theo SRFs đòi hỏi các bảng cân đối tiền tệ phải thực hiện phân tổ theo các công cụ tài chính và các công cụ tài chính được phân tổ chi tiết theo các khu vực thể chế (như khu vực thể chế tài chính gồm ngân hàng trung ương, khu vực thể chế các tổ chức nhận tiền gửi, khu vực các tổ chức tài chính khác, khu vực thể chế phi tài chính gồm khu vực thể chế tài chính công và khu vực thể chế tài chính tư, khu vực chính phủ gồm khu vực chính phủ trung ương và khu vực chính quyền địa phương, khu vực hộ gia đình, khu vực thể chế không vì lợi nhuận phục vụ hộ gia đình).
Đối với Việt Nam, các số liệu thống kê tiền tệ bắt đầu thực hiện theo phương pháp luận của IMF từ năm 1992 thông qua tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ tổ chức này. Về cơ bản, các bảng cân đối tiền tệ của Việt Nam đã lập, biên soạn theo hướng dẫn của IMF và định kỳ hàng tháng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện cung cấp cho IMF các bảng cân đối tiền tệ theo mẫu báo cáo.
Đối với việc lập, biên soạn các báo cáo theo SRFs, triển khai các hỗ trợ kỹ thuật từ IMF, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để thu thập thông tin và tổng hợp, lập báo cáo IMF.
Nỗ lực hoàn thiện công tác thống kê tiền tệ
Để có cơ sở hướng dẫn thống nhất các đơn vị thống kê, báo cáo thông tin chi tiết theo các khu vực thể chế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) nghiên cứu, xây dựng quy định về phân loại khu vực thể chế của Việt Nam. Ngày 23/3/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký ban hành Thông tư 02/2020/TT-BKHĐT quy định phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành căn cứ triển khai hướng dẫn, thu thập, tổng hợp các cân đối theo khu vực thể chế, trong đó có các bảng cân đối tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước phụ trách.
Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục đề nghị và phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn chi tiết đối với từng khu vực thể chế quy định tại Thông tư 02/2020/TT-BKHĐT. Thông tư 02/2020/TT-NHNN ra đời là cơ sở quan trọng để Ngân hàng Nhà nước triển khai, hướng dẫn trong toàn hệ thống nhằm thu thập thông tin phục vụ lập, tổng hợp các bảng cân đối tiền tệ theo mẫu mới. Tuy nhiên, Thông tư 02/2020/TT-BKHĐT mới chỉ quy định bao quát về các khu vực thể chế, trong khi tại Việt Nam tồn tại khá nhiều đơn vị thể chế đặc thù, cần có hướng dẫn cụ thể phân loại các đơn vị thể chế này vào khu vực thể chế phù hợp.
Do đó, Tổng cục Thống kê cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng sổ tay hướng dẫn phân loại khu vực thể chế chi tiết để các đơn vị thống nhất thực hiện.
Đối với thông tin phục vụ lập SRFs, căn cứ vào các khu vực thể chế quy định tại Thông tư 02/2020/TT-BKHĐT, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, xây dựng mẫu báo cáo thông tin chi tiết theo khu vực thể chế đối với các tài khoản còn thiếu thông tin để yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo và đang từng bước thực hiện bóc tách số liệu chi tiết đối với một số nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước theo các khu vực thể chế.
Trên cơ sở số liệu cung cấp của các tổ chức tín dụng và số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện lập và cung cấp cho IMF các bảng cân đối tiền tệ theo SRFs.
Có thể nói, thống kê tiền tệ của Việt Nam về cơ bản đã thực hiện theo các hướng dẫn của IMF, tuy nhiên, để đáp ứng hoàn toàn theo chuẩn mực báo cáo, công tác thống kê tiền tệ cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tăng cường tính đầy đủ, chi tiết.
Ngân hàng Nhà nước đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện, bổ sung cơ sở pháp lý cũng như thu thập thông tin, số liệu để nâng cao chất lượng, tăng cường tính minh bạch, khả năng so sánh của các số liệu thống kê nói chung và thống kê tiền tệ nói riêng.