Lập công dâng Bác

Sang tháng 5-1967, khi đế quốc Mỹ dùng hàng trăm lần máy bay giội bom xuống Hà Nội thì khí thế thi đua bắn rơi thật nhiều máy bay Mỹ để lập công mừng sinh nhật Bác của bộ đội phòng không-không quân càng trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp. Tranh thủ thời gian giữa các đợt đánh (trận đánh), cán bộ, chiến sĩ nhiệt huyết bàn bạc, rút kinh nghiệm, hiến kế đánh địch. Dù phải mất ngủ nhiều đêm, dù vất vả, mệt nhọc đến mấy nhưng để phục vụ yêu cầu đánh thắng, lập thành tích dâng Bác thì ai nấy đều hăng hái, phấn khởi.

Và ngày 19-5 đã đến. Khi buổi phát thanh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bản nhạc chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh thì các đoàn đốc chiến của Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Kỹ thuật, Cục Hậu cần quân chủng hối hả về các đơn vị. Theo nhận định của trên, hôm nay địch sẽ tổ chức đánh lại Hà Nội.

Sáng hôm ấy, các đồng chí trong bộ tư lệnh chúng tôi có mặt ở sở chỉ huy sớm hơn thường lệ. Không ai bảo ai mà đồng chí nào cũng quần áo chỉnh tề hơn ngày thường. Chính ủy Đặng Tính bước đến chiếc máy điện thoại TA-57 có đường dây riêng thẳng từ sở chỉ huy quân chủng đến chỗ Bác. Từ ngày địch đánh Hà Nội, Bác chỉ thị cho mắc đường dây này để trực tiếp theo dõi tình hình chiến đấu của quân chủng. Sau khi chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu, đồng chí Đặng Tính tiếp tục cầm ống nghe một lúc lâu rồi mới quay sang phía chúng tôi cười rạng rỡ:

- Bác bảo Bác cảm ơn các chú, các chú cứ bắn rơi nhiều máy bay Mỹ là Bác mạnh khỏe, sống lâu.

Câu nói của Bác lập tức được truyền đến các trận địa. Một ngày chiến đấu mới bắt đầu. Hôm nay, đồng chí Lê Văn Tri và tôi trực ở sở chỉ huy. Trên bảng thực lực, những ngọn đèn tín hiệu lấp lánh báo tin vui: Trên toàn miền Bắc, hàng trăm bệ phóng tên lửa sẵn sàng chiến đấu tốt. Bộ đội pháo cao xạ ở tất cả khu vực phòng không cũng đã sẵn sàng làm nhiệm vụ. Bộ đội ra-đa đã phát đi tin đầu tiên về những tốp mục tiêu xa. Riêng khu vực Hà Nội, lực lượng tên lửa có tới trăm bệ phóng, lực lượng cao xạ có cả chục trung đoàn. Theo lệnh Bộ Tổng Tham mưu, tất cả lực lượng không quân tiêm kích được giao nhiệm vụ tập trung bảo vệ Hà Nội.

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nói chuyện truyền thống với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không - Không quân).

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nói chuyện truyền thống với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không - Không quân).

9 giờ 50 phút, địch ập vào từ hướng tây nam và tây bắc. Tư lệnh Lê Văn Tri phát lệnh báo động cấp một cho toàn quân chủng. Anh nhắc binh chủng tên lửa cố gắng đánh sớm, chặn đứng từng cánh quân địch ngay trên đường chúng bay vào. 10 giờ 1 phút, các tiểu đoàn của Trung đoàn Tên lửa 236 phóng đạn. Tiểu đoàn 61 ở trận địa Văn Điển, Tiểu đoàn 64 ở trận địa Yên Nghĩa cũng phóng 4 quả đạn vào một tốp. Tin báo về một chiếc A.4 rơi tại chỗ ở Thanh Oai (Hà Tây). Trận mở đầu đẹp quá!

Tiếp đó, 16 chiếc máy bay gồm F4 và F8 vào đánh phá khu kho Văn Điển. Tiểu đoàn 28, Sư đoàn 367 vừa được lệnh về đây hai ngày đã đánh giỏi, bắn rơi một F.8, bảo vệ an toàn khu kho. Từ bên kia sông Hồng, làm nhiệm vụ án ngữ phía bắc và tây bắc Hà Nội, Trung đoàn Tên lửa 257 và 274 phóng đạn liên tiếp vào các cánh quân từ phía Tam Đảo xuống, bắn rơi 3 chiếc, làm chúng phải tán loạn đội hình. Sư đoàn 361 cũng liên tiếp báo tin về các đơn vị bắn cháy, bắn rơi máy bay địch.

Buổi chiều, máy bay của hải quân địch tập trung đánh phá Nhà máy Điện Yên Phụ. Các trung đoàn của Sư đoàn 367 phối hợp chặt chẽ đánh tan hai đợt công kích liên tục của địch vào nhà máy điện. Biết không thể đánh chính diện được, địch dùng thủ đoạn đánh lén nhưng chúng lập tức bị lưới lửa của ta quất thẳng vào mặt. Một chiếc A3J trúng đạn, bị trọng thương đâm đầu xuống phố Lê Trực. Ở sở chỉ huy rất nóng ruột về tên giặc lái.

Nó nhảy dù ra được hay chết luôn trong máy bay? Bắn rơi tại chỗ một máy bay địch đã là quý rồi, nhưng bắt sống được giặc lái thì ý nghĩa chiến thắng càng lớn hơn. Những biện pháp cần thiết bảo đảm bắt sống giặc lái được nêu ra và truyền đạt nhanh xuống nơi máy bay rơi. Khoảng nửa tiếng sau có tin chính thức báo về: Hai tên giặc lái đã bị bắt sống. Một tên rơi xuống nóc chuồng gà ở số nhà 71, một tên rơi xuống ngõ 124 cùng ở phố Thụy Khuê.

Tôi ngả người trên ghế và cảm thấy như tim ngừng đập vì sung sướng! Bác đã biết tin này chưa? Chắc Bác đã biết rồi. Cục Tác chiến theo dõi sát cuộc chiến đấu của chúng tôi, chắc đã báo cáo tin vui này lên Bác. Nhất định Bác sẽ vui lòng!

Trung tướng NGUYỄN XUÂN MẬU - Nguyên Phó chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/lap-cong-dang-bac-695398